Các chiến sĩ đi cứu hộ tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Xuân |
Vào công an từ năm 1983, là cảnh sát giao thông, trong những ngày cam go nhất, Đại úy Nguyễn Xuân Duyên được tăng cường cứu hộ và tiếp tế vùng lũ bị cô lập. "Thực ra, nhà của bố mẹ tôi cũng bị ngập nhưng vì nhiệm vụ không thể về được. Cũng có hôm, ca nô "trục trặc", đưa được cả đoàn về tới bờ mới thở phào nhẹ nhõm" - anh Duyên tâm sự. Thấy chồng nhiều ngày không về, vợ anh suốt ruột hỏi, anh chỉ biết trả lời như mọi khi: "Phải đi làm nhiệm vụ...".
Dù dự đoán trước các tình huống, khi đưa hàng vào xã Sơn An đi qua địa phận xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, ca nô vẫn bị mắc cạn vì đường bê tông. Ở trên là 300 thùng mì tôm và 11 thành viên đoàn cứu trợ.
Hàng nặng, lại gặp phải đoạn nước xiết, chiếc ca nô xoay tròn, va đập vào nền đường bê tông, rít lên những tiếng khừng khực nghe rợn cả da gà. Đại uý Duyên hô to: "Mắc cạn thật rồi, nâng máy lên không gẫy cánh quạt! Tất cả nhảy xuống cho nhẹ, đủn đi, không có đường lùi đâu nước chảy xiết lắm!".
Cả đoàn, trong đó có Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ cùng ào xuống cứu ca nô. Qua được khu vực nguy hiểm, anh Duyên vẫn chỉ dám cho ca nô "rón rén" dò đường và nhích từng mét về phía trước.
Những tưởng đã thoát thì bất ngờ phía trước có đường bê tông và dây điện chắn ngang. Hai chiến sĩ phía trước mui định nâng dây điện cho ca nô chui qua thì bất ngờ bị quật ngược trở lại, ngã nhào xuống dòng nước.
May mà sau đó, người và hàng vẫn an toàn, nhưng đèn pha đã bay mất, đồng nghĩa với việc trời tối sẽ không thể đi được. "Tôi phải tắt máy cho ca nô trôi tự do, sau đó cài số lùi. Lúc đó xử lý không nhanh, cả hai chiến sĩ có thể bị dây điện... cắt đứt cổ" - anh Nguyễn Xuân Duyên nhớ lại.
Sau nhiều phen thoát hiểm, đoàn cứu trợ cũng đưa được hàng tới UBND xã Sơn An là khu vực tiếp nhận để phân phát cho người dân. Quay ra cũng là lúc trời tối. Không ai định hình được đường đi, đèn không có, nước thì mênh mông... Trớ trêu thay, cả đoàn lại ở trong vùng mất sóng điện thoại. Chiếc ca nô hoàn toàn mất liên lạc trong màn đêm mịt mùng. Cả đoàn chỉ còn biết chắp tay "khấn trời"...
Và thật ngỡ ngàng, lần đầu tiên sau nhiều ngày mưa, trời Hà Tĩnh sáng lên bởi ánh trăng. Nhờ thế, chiếc ca nô "bò" được dần ra tới sông Ngàn Phố, định hình được phương hướng và... thoát nạn!
Thanh Xuân