Dân Việt

Nơi sóng ngàn Việt Bắc...

02/02/2011 13:37 GMT+7
(Dân Việt) - Cho đến khi 10 tuổi, tôi mới cùng cha mẹ rời Tuyên Quang về lại Hà Nội. Trước đó, vào những năm kháng chiến nhà cha mẹ tôi ở giữa phố Quang Trung, một con phố nằm bên bờ sông Lô ở ngay trung tâm thị xã. Ngày nay, phố đó gọi là "Đường Chiến Thắng Sông Lô".

Cha tôi là người mê nghệ thuật, ông rời Hà Nội lên Tuyên Quang từ giữa những năm 40 của thế kỷ trước. Không biết có phải ông vui chí kiến thiết… bên sông Lô đắp nhà… mơ thành người sông Lô hay không? Tôi sinh ra trong ngôi nhà ấy, anh chị tôi học ở Trường Tân Trào, cách nhà gần 2 cây số, còn tôi học cấp một ở gần nhà.

Con sông phía trước nhà là cả quãng đời thơ ấu của tôi. Ngày ấy, cả phố chỉ có 2 gia đình, nhà tôi và nhà Bảo Khuê là xây gạch hai tầng, nền nhà lát gạch men Con dơi. Nhưng cả hai gia đình đều không vướng vào thành phần cải tạo tư bản tư doanh, có lẽ nhờ bố tôi sáng suốt bắt chúng tôi lao động thực thụ như những con nhà nghèo.

Chị tôi đi thoát ly công tác trên Chiêm Hóa, tôi theo anh trai sang bên Nông Tiến lấy củi về bán. Còn rất nhỏ mà chúng tôi đã biết chặt nứa kết thành bè, để củi lên trên xuôi theo dòng nước về nhà. Những ngày mưa không đi củi được, chúng tôi theo anh trai đi câu cá trên những căn nhà lá đặt nổi trên sông, gọi là nhà bè.

Sông Lô hiền hòa, nước trong xanh chảy thơ mộng nhất là qua đoạn phố tôi. Nhưng vào mùa lũ, sông có thể bất chợt sục sôi hung dữ đỏ ngầu. Tôi nhớ cho đến tận bây giờ gương mặt mẹ tôi lo lắng khi nói đến cơn lũ Tám Hếnh. Năm nào, cứ đến mùa lũ lụt, mẹ tôi cũng như người dân ở đây đều phải hết tâm chú mục nghe ngóng, "nhìn cây, bói quả", việc phòng tránh lũ coi trọng hàng đầu.

Lũ sông Lô khác với những con sông khác ở chỗ nó ập về nhanh chóng, chiều hôm trước vẫn chưa có gì, vậy mà chỉ trong một đêm nước sông đã đầy ặc, cuồn cuộn đổ cuốn phăng mọi thứ, phố phường khoảnh khắc ngập chìm trong nước. Ngày ấy, dự báo khí tượng thủy văn chưa như bây giờ, chỉ nhờ kinh nghiệm của người già.

Thế nên khi cảm nhận sai, thiên tai xảy ra bất chợt, thiệt hại về người và của xảy ra rất là lớn và đau xót. Sau này mỗi khi có chuyến công tác về Tuyên Quang, nếu vào mùa lũ, tôi chỉ xách ba lô đi theo xe buýt để "cơ động" nhanh, đồng nghiệp của tôi từng đã bị lũ, ô tô bất chợt ngập chìm trong nước mất gần một tuần, phải kêu trực thăng ở Hà Nội... lên cẩu.

Khi lớn, trong tôi sông Lô là mảng ký ức sống động nhất, những ngày đi khắp châu Âu, tưởng như thấy sông Lô của mình - đoạn qua thị xã giống như Danube chảy qua các vùng ngoại ô. Ký ức sông Lô không chỉ là những hình ảnh sống động, bản thân theo mảng nứa xuôi dòng, hay ngồi câu lẳng lặng mà còn là những hình ảnh vang lên trong câu hát: Sông Lô sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…

Sống ở Hà Nội cho đến bây giờ, nhưng tôi hay kiếm cớ về Tuyên Quang, có năm hai lần. Bây giờ Tuyên Quang khác thời cha mẹ tôi ở đó. Lần nào về, tôi cũng lên cầu Nông Tiến bắc ngang sông Lô, từ chân núi Giùm (hữu ngạn) sang dốc Tiên Nông (tả ngạn). Tôi về tìm lại tuổi thơ của mình.