Dân Việt

Giấc mơ về một dòng sông

07/02/2011 12:49 GMT+7
(Dân Việt) - Là người lính từng tham gia chiến trận, tự tay khâm liệm an táng nhiều liệt sĩ, mấy lần trở lại chiến trường xưa tìm mộ mà không thấy, đau đáu với ý tưởng đoàn tụ, bỗng một đêm tôi mơ thấy một địa điểm như thế: Dòng sông Hiền Lương. Vĩ tuyến 17 nơi có gần 20 năm là dòng sông chia cắt đất nước.
img
Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải hôm nay. Ảnh Xuân Trường

Một buổi sáng đẹp trời. Chiếc ca nô Bộ đội Biên phòng đưa đoàn chúng tôi ngược dòng từ Cửa Tùng lên thượng nguồn. Đôi bờ, dọc theo khu phi quân sự xưa, hai con đường song song đủ cho vài làn xe. Hàng hàng cây cao như một cánh rừng.

Người hướng dẫn cho biết: Sông Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, nơi chia cắt đất nước theo Hiệp định Geneve 1954 được xây dựng thành Công viên Văn hóa - Lịch sử mang tên Thống Nhất. 64 tỉnh, thành trong cả nước đều chung tay góp sức, phân bố đều trên hai bờ thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Các tỉnh phía Nam tạo cảnh quan ở bờ Bắc, các tỉnh phí Bắc tạo dựng ở bờ Nam. Từ Cửa Tùng lên thượng nguồn, dài hơn 40km. Là công viên nên chủ yếu là trồng cây, làm vườn hoa cảnh. Các đơn vị quân đội từng vượt sông dựng lại các bến vượt, bãi trú quân, hầm trú ẩn. Cả vị trí của các trận địa pháo binh, tên lửa, hậu cứ hậu cần, vườn tăng gia. Hệ thống Đồn Liên hiệp phi quân sự được khôi phục ở vị trí cũ, theo hình dáng cũ.

img
 

Thỉnh thoảng có những cụm công trình đa chức năng được xây dựng. Điều đặc biệt là hầu hết các công trình đều được xây gạch trần mà trên mỗi viên đều có tên người, quê quán, năm sinh, năm có mặt ở chiến trường.

Theo lời người giới thiệu, điều thú vị nhất, những viên gạch đó là kết quả cuộc vận động rộng lớn: Mỗi người từng qua sông Hiền Lương, rộng hơn là những ai từng tham gia chiến đấu (bộ đội, cán bộ dân chính Đảng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...) gửi 1 viên gạch mang tư liệu về mình. Các liệt sĩ, những người khó khăn thì được người thân, đồng đội cũ làm thay, như một hình thức tưởng niệm. Mươi nghìn là đủ làm một viên gạch đặc biệt như thế! Có hàng triệu người Việt thuộc hầu hết các dân tộc đã đóng góp viên gạch của mình.

Không chỉ thế! Ý định công viên còn muốn mở rộng nội dung bằng cách vận động các quốc gia đã từng tham chiến đóng góp xây dựng và tư liệu xác thực về nhân tài vật lực họ đã từng đổ vào chiến trường Việt Nam. Đặc biệt, các nước phe XHCN và nhân dân thế giới đã từng giúp đỡ bằng nhiều hình thức cho cuộc chiến đấu của chúng ta. Chiến tranh Việt Nam mặc dầu là một cuộc chiến tranh cục bộ, nhưng do tính chất của thời đại mà từng lôi cuốn sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ca nô cao tốc chạm sóng Cửa Tùng bập bềnh chao đảo, làm tôi tỉnh giấc trong tiếc nuối...

Thực tế trước mắt, là sau hơn 40 năm giải phóng (từ đầu 1970, mặt trận đã chuyển về phía Nam) đôi bờ Hiền Lương mới chỉ có một cụm công trình nhỏ ở khu vực cầu Hiền Lương.

Chúng tôi nghĩ, ở thời điểm này, một công trình với sự giúp sức của toàn dân như thế hoàn toàn có thể thành hiện thực.

img
 

Tôi ao ước, HỘI NÔNG DÂN VIÊT NAM, với một ban lãnh đạo năng động và tâm huyết, đứng ra chủ trì tổ chức cuộc vận động này. Là một hội lớn, có tổ chức cơ sở tới tận từng làng bản, người nông dân hôm nay ý thức rõ chính là thế hệ cha anh mình đã là lực lượng góp sức người, sức của, tài năng và xương máu để giành chiến thắng. Đến lượt thế hệ được sống trong hòa bình, mỗi người góp 1 viên gạch xây một công trình tưởng niệm vừa là ý nguyện vừa là trách nhiệm.

Chính là Ban lãnh đạo Hội sẽ liên kết với các Hội bạn, đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc vận động thêm sự chung tay chung sức của các doanh nhân, doanh nghiệp, những nông dân biết làm giàu, các cựu chiến binh thành đạt và con em họ, nhất định sẽ đủ nhân tài vật lực, sáng kiến làm nên công trình giàu ý nghĩa này.

Năm 2014 tới đây là kỷ niệm 50 năm vết đau ngày đất nước bị chia cắt.

Nếu được chấp nhận, hưởng ứng, đó là thời điểm đẹp nhất để khởi công Công trình Công viên Văn hóa - Lịch sử - Tâm linh xóa nỗi đau chia cắt và tưởng nhớ thế hệ đã không tiếc máu xương vì một nước Việt Nam đoàn tụ trong Độc lập Tự do.

Đây cũng sẽ là khu công nghiệp không khói cả nước tặng nhân dân Quảng Trị để tri ân sự hy sinh vô lượng của người dân mảnh đất này.