Nơi bắt đầu của thành phố
Nếu như bao nền văn minh của nhân loại được các dòng sông bồi đắp mà thành thì đô thị cũng mang đến cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, có bản sắc của đô thị đó. Thành phố nơi tôi lớn lên và đi qua quá nửa đời người cũng một dòng sông vĩ đại chảy qua, sông Hồng!
Sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau. Phần chảy trên đất Trung Hoa gọi là Nguyên Giang, Lê Xã Giang. Phần chảy trên đất Việt có tên gọi là sông Hồng, sông Cái. Nhưng khi chảy qua ngã ba Bạch Hạc-Việt Trì thì được gọi là sông Thao. Hay xuôi đến Hà Nội uốn dòng như hình cái tai ôm ấp lấy kinh thành cổ thì có tên là Nhĩ Hà hay Nhị Hà. Và thành Thăng Long xưa sau này mang tên Hà Nội - thành phố trong sông cũng là vì thế!
Sông Hồng có nhiều nhánh như sông Đà, sông Lô, sông Chảy, sông Gâm. Phân lưu phía tả ngạn có sông Đuống, sông Luộc. Phía hữu ngạn có sông Đáy, sông Ninh Cơ... Tất cả nối với nhau tạo nên một hệ sông ngòi dày đặc, bền bỉ suốt ngàn vạn năm chở phù sa bồi đắp nên một đồng bằng Bắc bộ trù phú và giàu có.
Người quê tôi gọi sông là "Mẹ", bởi đó là cuộc sống, là tình yêu và sự no đủ. Những con sông quê đem nước mát tưới tắm cho con người, cho mảnh đất màu mỡ xanh bát ngát, trắng cánh cò bay. Con gái quê tôi uống nước sông, tắm nước sông mà có làn da trắng mịn như trứng gà bóc, có cái giọng mượt mà, đằm thắm để cất lên những làn điệu chèo làm nghiêng ngả sân đình và say đắm lòng người, hay những câu ca quan họ da diết mà tình tứ "Người ở... người ơi!..." lưu luyến người đi! Thành phố của tôi hình thành nên cũng bởi chính dòng sông Mẹ ấy!
Dòng sông bị lãng quên...
Trong suốt hơn một thế kỷ đô thị hóa Hà Nội, cảnh quan kiến trúc thành phố luôn có hướng nhìn ra sông Hồng. Phía bờ phải là nơi có quá trình đô thị hóa sớm nhất, có nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử như khu 36 phố phường, rồi tiếp đến là khu phố cũ thời Pháp mà ta quen gọi là khu phố Tây!
Nhưng hôm nay, bên cạnh những đường phố được chính quyền thành phố đầu tư quy hoạch chỉnh trang như khu An Dương, Đầm Trấu, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng... thì vẫn còn nhiều lắm những khu nhà ổ chuột dưới gầm cầu Long Biên, ven bãi sông, bãi giữa.
Chính cư dân các xóm nghèo, các khu ổ chuột kéo dài suốt đoạn đê bờ phải sông Hồng đã và đang làm cho cảnh quan phía Đông thành phố ngày một hỗn tạp và xấu đi. Môi trường sống bị hủy hoại bởi rác thải và nước bẩn. Dòng sông đang bị ô nhiễm và bị lấn chiếm bởi hàng ngàn tấn phế thải ngày đêm do con người thành phố vô ý thức đổ xuống. Dòng sông Mẹ đang đứng trước nguy cơ bị bức tử.
Còn trong đê, thành phố đang xây dựng ào ạt với tốc độ chưa từng có. Những ngôi nhà có khối tích to lớn cao hàng chục tầng đang mọc lên sát đê tạo nên một bức tường khổng lồ bằng bê tông và kính càng ngăn cách xa thêm con người với dòng sông. Cách đây hai năm một dự án đô thị ven sông Hồng được người Hàn Quốc lập, lấy thành phố bên sông Hàn làm ví dụ.
Theo đó 4.200ha đất ven sông Hồng được quy hoạch với tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD?! Theo đó trong tương lai không xa, vùng đất bãi ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ được lột xác để trở thành những công viên xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, khu thương mại quốc tế... cùng những khu nhà ở thấp tầng, cao tầng hiện đại. Và sau khi được trị thủy, sông Hồng dữ dội kia sẽ trở nên hiền hòa trong xanh và lãng mạn như sông Hàn, như sông Seine?!
Câu chuyện về cái dự án đô thị ven sông Hồng với số vốn đầu tư khủng kia được xôn xao bàn tán và tranh luận một thời. Nhưng cái tính hiện thực của nó ra sao, đến bao giờ thì còn xa vời và mông lung lắm! Bởi một điều rất đơn giản mà ai cũng thấy được là sông Hồng của Việt Nam hoàn toàn khác sông Hàn bên Hàn Quốc và càng khác sông Seine bên nước Pháp. Và vì thế, dù ai lập dự án và dự án lập thế nào, đầu tư hết bao nhiêu tiền đi chăng nữa, thì cuối cùng nó phải là của Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam, bản sắc và văn hóa sông Hồng.
KTS Phạm Thanh Tùng