Dân Việt

Đại dự án thành phố bên sông Hồng có khả thi?

25/01/2011 12:07 GMT+7
(Dân Việt) - Để hiểu rõ hơn về Dự án Thành phố ven sông Hồng, phóng viên Nông thôn Ngày nay đã có cuộc trao đổi với NGND, GS, KTS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch và phát triển đô thị.
img
GS Nguyễn Thế Bá.

Theo GS Bá, việc phát triển các khu dân cư, đô thị dọc bờ sông là một hiện tượng phố biến ở nước ta và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đó còn có những mối hiểm họa từ chính các dòng sông đưa lại. Vì vậy, không phải chỗ nào cũng có thể làm được đô thị ven sông...

* Vấn đề trị thuỷ, thuần phục sông Hồng là lo ngại lớn nhất trong dự án. Ông đánh giá thế nào về đề xuất xây kè kiên cố sát hai bên bờ sông do phía Hàn Quốc đưa ra?

- Đây là vấn đề đã được tranh luận nhiều. Tuy nhiên, thực tế là không có giải pháp nào khác. Việc kè sông ngăn được việc phá huỷ các công trình hai bên bờ sông, cũng tương tự như chúng ta đắp các con đê dọc sông để ngăn nước tràn vào thành phố, vào làng mạc, ruộng đồng.

Sông Hồng không chỉ có 40km chiều dài như phạm vi của dự án nghiên cứu mà kéo dài hàng trăm km. Vì vậy phải nghiên cứu tổng thể để tránh ảnh hưởng cho dân cư ở thượng lưu và hạ lưu. Sông Hồng rộng lớn hơn nhiều và không có kè đá tự nhiên như sông Hàn ở Seoul - Hàn Quốc nên giải pháp phải khác nhau.

Việc cải tạo sông phải đạt được hai mục tiêu là mặt nước hiền hoà hơn về mùa mưa nhưng cũng không khô cạn về mùa khô. Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật rất khó, hãy để các nhà thiết kế hạ tầng kỹ thuật và thuỷ lợi nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc.

img
Cầu Long Biên - cây cầu lớn đầu tiên vượt sông Nhị Hà. Ảnh TL

* Ông đánh giá thế nào về các khu vực, hạng mục xây dựng được đề xuất trong dự án của phía Hàn Quốc đưa ra?

- Việc quy hoạch, thiết kế các công trình suốt 40km bờ sông Hồng chảy qua Hà Nội là một ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc dự án thiết kế quá nhiều khu nhà ở, chung cư cao tầng ở đây. Nên ưu tiên cho các công trình công cộng như công viên, cây xanh điểm vui chơi, giải trí công cộng. Nếu quy hoạch quá nhiều khu nhà cao tầng sẽ lặp lại sai lầm như hiện nay là để cư dân ở với mật độ dày đặc dọc bờ sông, ảnh hưởng đến khu vực phía trong, cách xa bờ sông và môi trường đô thị. Việc quy hoạch hai bên bờ sông phải đảm bảo được 3 tiêu chí là an toàn, mỹ quan và thoả mãn được mối tương quan với các khu vực khác.

img Việc các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra thời hạn 10 năm là tự làm khó mình. Hoặc nếu đưa ra thời hạn đó để tạo lòng tin của người khác cũng là điều không nên. Ngay cả việc đưa ra con số dự toán 7 tỷ USD để thực hiện đồ án này cũng là con số phải bàn. Giá trị đồng tiền thay đổi thường xuyên nên con số đó sẽ không bền vững. img

GS, KTS Nguyễn Thế Bá

* Ông từng nói rằng, dự án này đặt mục tiêu hoàn thiện các công trình xây dựng vào năm 2020 là không khả thi. Vậy, dự án đã được tích hợp trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, liệu thời gian hiện thực hoá nó có được đẩy nhanh không?

- Đây là dự án rất lớn nên việc đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ rất khó thực hiện. Một dự án nhanh hay chậm phụ thuộc vào kinh phí đầu tư. Liệu chúng ta có thể huy động được số tiền lớn để đầu tư trong quãng thời gian đó hay không? Ngoài ra, Quy hoạch chung Hà Nội sau khi sáp nhập còn rất nhiều vấn đề phải làm. Trong đó nhu cầu bức thiết nhất là hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thành phố nên rất khó tập trung nguồn lực cho dự án này.

Một điều nữa nói có thể hơi sớm nhưng rất cần thiết là trong mọi trường hợp, chúng ta phải là người chủ động, điều hành dự án. Ở Hà Nội hiện có dự án khu đô thị Ciputra Nam Thăng Long hàng trăm ha mà chúng ta đã cho nước ngoài thuê đất. Nó như một ốc đảo giữa Hà Nội, Nhà nước chúng ta rất khó có thể can thiệp được. Ở dự án này, chưa thấy Hàn Quốc hay bất cứ nước nào muốn làm chủ đầu tư toàn dự án nhưng nếu có cũng không nên chấp thuận. Đối mặt với những dự án quan trọng như vậy, chúng ta phải là người làm chủ.

* Xin cảm ơn GS!

Quy hoạch Thành phố (TP) ven sông Hồng là dự án hợp tác giữa TP. Hà Nội và TP. Seoul (Hàn Quốc). Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ tháng 7-2006 và đến cuối năm 2007. Kết thúc giai đoạn 1, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp, báo cáo Thành ủy về dự án này và kiến nghị tiếp tục cho triển khai giai đoạn 2.

img
Dự án thành phố ven sông Hồng cần được tích hợp trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Giai đoạn 2 của dự án tập trung xem xét kỹ thuật đối với những đề xuất của quy hoạch cơ bản đã lập trong giai đoạn 1, thực hiện thí nghiệm mô hình vật lý thủy lực, báo cáo và xin ý kiến các bộ ngành, hoàn thiện Quy hoạch cơ bản trình Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, giai đoạn 2 chưa thực hiện do phải đưa vào nghiên cứu cùng với đồ án quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng.

Tháng 11-2010, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đề nghị: Khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua quy hoạch chung Thủ đô cũng đồng thời thông qua quy hoạch cơ bản thành phố ven sông Hồng; UBND TP.Hà Nội được quyền chủ trì trong việc quy hoạch phân khu, chi tiết tiếp theo.

Dự án đã được tổ chức triển lãm lấy ý kiến nhân dân Thủ đô Hà Nội. Kết quả có 37,8% đồng ý toàn bộ, 30,5% đồng ý hầu hết các thành phần của dự án, 27% đồng ý một phần và không đồng ý 4,6%.

Dự án được bố trí dọc 2 bên bờ con sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài 40km từ Thượng Cát (huyện Từ Liêm) đến cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai). Dự án được chia thành 4 khu vực: Khu vực 1, từ điểm đầu dự án đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến điểm cuối dự án. N

Một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật: Xây dựng, nâng cấp, cải tạo đê 2 bờ sông với 75,5km trong đó xây mới 41,7km, cao trình 14,8m. Đường các loại ven sông hơn 80km. Tổng diện tích đất nghiên cứu 10.212ha, trong đó: Công viên cây xanh: 4.200ha (840ha công viên ven sông, 3.360ha đầm lầy, khu sinh thái tự nhiên), mặt nước sông 3.550ha, đất tạo mới phát triển đô thị: 2.462ha (gồm: Đô thị mới ven sông: 1.500ha thuộc Hà Nội và 700ha thuộc Hưng Yên; công viên đô thị 212ha, vành đai xanh đô thị: 50ha). Tổng số dân phải di dời: 170.000 người (42.000 hộ). Kinh phí ước tính: 7,099 tỷ USD.