Thăm con đường gốm sứ. Nhóm nữ từ trái qua: Hoạ sĩ Thu Thuỷ, bà Beatriz Fernandez - đại diện tổ chức Guinness, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. |
* Giờ chị đã thấy nhẹ nhàng chưa?
- Đúng là tôi không phải chịu nhiều áp lực như mấy tháng trước nữa! Khi đó tôi mất ăn mất ngủ, hết chuyện tiến độ lại đến chuyện có thể được công nhận kỷ lục thế giới không. Rồi chuyện gắn gốm làm sao để vừa bền vừa đảm bảo thời gian thi công. Trong khi Guiness họ cứ âm thầm theo dõi mình, không cho mình biết thông số của những kỷ lục đã từng được công nhận trước đây đâu nhé! Mình thì làm gì có điều kiện đi khắp thế giới mà tìm hiểu rõ rành mọi nhẽ.
* Khi đưa ý tưởng ra triển lãm vào năm 2007, hình như chị chưa tính được chuyện sẽ làm hoành tráng như bây giờ?
- Thực ra ngay khi xây dựng ý tưởng, tôi đã mơ ước Hà Nội có thể lập kỷ lục về bức tranh gắn gốm dài nhất thế giới rồi! Thực ra, tranh gắn gốm không mới, nhiều nước đã đi trước ta cả trăm năm rồi. Bức tranh gắn gốm trên tường thành Babylon đã có từ thế kỷ 6 trước công nguyên, giờ vẫn còn màu men như mới. Tôi từng đến thủ đô của Tây Ban Nha hay Canada, thấy những bức tranh từ gốm, những công trình xây dựng gắn gốm quả là độc đáo! Khi về nước, tôi lọ mọ ra chợ gốm ven sông, mua hết chậu hoa rồi bình sứ, về nhà đập ra, gắn thử, thấy tự tin vào tác phẩm của mình.
Đi học bên con đường gốm sứ . Ảnh do họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cung cấp |
* Đẹp là một nhẽ, nhưng để thuyết phục cả hội đồng nghệ thuật của thành phố khi ấy không phải là chuyện đơn giản!
- Đúng vậy! Dự án phải qua rất nhiều vòng thẩm định, phản biện. Năm 2007, triển lãm đầu tiên của tôi về "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" tổ chức ở Nhà triển lãm Tràng Tiền còn đơn sơ, mới chỉ thử nghiệm việc gắn gốm lên thân đê bằng photoshop để mọi người có thể thấy, gốm làm thay đổi màu sắc bê tông thế nào. Sau đó, tôi còn tổ chức thêm một triển lãm nữa ở Bảo tàng Dân tộc học. Triển lãm này là bước thử nghiệm cao hơn, để cho thấy, gốm có thể thích ứng với nhiều loại hình, làm tranh trừu tượng cũng được, tranh hiện thực cũng được. Cứ từng bước như thế, và hội đồng cũng đã nhìn thấy tính khả thi của nó.
* Dự án được nửa đường cũng là lúc gặp nhiều sóng gió từ phía dư luận. Chị đã vượt qua thế nào?
- Không có cách gì khác ngoài thuyết phục dư luận bằng chính những kết quả cụ thể nhất! Những kết quả đó là minh chứng rằng con đường tôi đang đi có đúng đắn hay không. Khi một số báo mạng đăng tải những bài viết rằng đó là con đường quảng cáo hay nó làm ảnh hưởng đến giao thông, thì ngay ở phía dưới bài viết đó đã nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc. Đa phần là ủng hộ dự án của tôi.
* Nghe nói, chị đã từng phải bán ô tô, lấy tiền trang trải cho Con đường gốm sứ?
- Đúng thế đấy, hồi đầu, tôi phải bán cả hai chiếc ô tô cổ, cả một nhà sàn của vợ chồng tôi ở Phù Lãng. Bạn bè, người thân biết chuyện cứ đùa rằng, thế đã bán hết cả nhà chưa (cười)!
* Đối mặt với nhiều sóng gió thế, có khi nào chị thấy nản?
- Có chứ! Nhưng rồi tôi nghĩ ngược lại, đã thế mình phải làm cho thành công. Nếu buông xuôi, điều đó đồng nghĩa với việc mình chấp nhận thất bại.
* Giờ chị yêu nghề nào hơn, nghề gốm hay nghề báo?
- Tôi yêu cả hai (cười). Rất nhiều người nói tôi phải cảm ơn nghề báo, bởi nhờ sự năng động của nghề báo, dự án này mới hoàn thành. Nếu tôi chỉ là một họa sĩ đơn thuần, chắc sẽ không kham nổi. Ngay cả các đề tài đưa lên con đường gốm sứ tôi cũng đã từng viết trên báo. Năm 2005, tôi lang thang khắp Nam Định, Thanh Hóa, Phú Thọ để thực hiện loạt bài về di vật gốm Đông Sơn, chính loạt bài này đã dẫn tôi đến với ý tưởng về họa tiết Đông Sơn trên Con đường gốm sứ.
* Giờ nhìn quanh Hà Nội, chị còn thấy chỗ nào cần phải tô điểm thêm màu sắc của gốm không?
- Tôi đang để ý đến đài phun nước ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi một số nơi khác như hầm đường bộ Kim Liên hay các bức tường ở dưới chân cầu vượt Ngã Tư Vọng hay Ngã Tư Sở... Nếu có điều kiện, tôi cũng sẽ hoàn thành nốt đoạn còn lại của đê sông Hồng, đoạn từ ngã ba đường Xuân Diệu kéo dài tới chân cầu Thăng Long.
* Chúc chị thành công!
Thi công con đường gốm sứ |
Quang Anh (thực hiện)