Dân Việt

Chảy trôi như dòng sông

04/02/2011 11:13 GMT+7
(Dân Việt) - Người trí thức yêu thích nó. Người bình dân càng yêu thích nó. Người miền Trung, miền Nam yêu thích nó. Nhưng người quê miền Bắc cũng yêu thích nó chẳng kém gì.

Làm thơ không phải để nói những chuyện vu khoát. Thơ kỳ lạ khi nó viết về hiện thực mà như siêu thực, khi nó thiết tha về một miền quê nhỏ bé thì chốn quê ấy bỗng thành địa đàng:

Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới…

Bài thơ "Nhớ con sông quê hương" Tế Hanh viết tại Hà Nội năm 1956, trong thời điểm trào cuộn của dòng thơ nhạc "đấu tranh Thống nhất" hay "ngày Bắc đêm Nam" mà nhiều văn nghệ sĩ người quê miền Nam đã cảm nhận và thể hiện rất thấm thía.

Đó là một khoảng thời gian rất đặc biệt, nếu ta nhớ, năm 1956 chính là năm mà theo Hiệp định Geneve, hai miền Bắc - Nam Việt Nam phải Hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Điều mong ước lớn nhất ấy của nhân dân Việt Nam cả hai miền Nam - Bắc đã không thành hiện thực. Và bài thơ "Nhớ con sông quê hương" ra đời.

 img
Nhà thơ Tế Hanh (phải) và nhà thơ Thanh Thảo (ảnh tác giả cung cấp).

Tôi đọc thơ Tế Hanh từ khi tôi còn nhỏ, và điều khiến tôi nhớ thuộc và yêu thơ ông ngay lập tức vì thơ ấy cứ chảy trôi một cách tưởng như dễ dàng như nhẹ nhàng vào tận tâm khảm tôi, theo một quy luật của dòng nước, là "nước chảy chỗ trũng". Vâng, một khi lòng ta là "chỗ trũng" để sẵn sàng tiếp nhận, thì thơ ca tất sẽ chảy vào. Dòng sông trước nhà tôi, dù khá hẹp, vẫn chảy trôi, mời gọi những đứa trẻ chúng tôi ngụp lặn trong lòng nó.

Còn dòng sông quê Tế Hanh thì rộng và sâu hơn nhiều. Con sông Trà Bồng ấy xuất hiện trong thơ Tế Hanh vào mùa hạ, chứ nếu vào mùa lũ, thì chắc thơ ông không thể dịu dàng êm đềm như thế. Đơn giản, vì đối tượng của thơ là dòng sông đã mang một khuôn mặt hoàn toàn khác. Nó hung dữ, dằn dỗi, bung phá, và lưu tốc của nó khiến ta phải chóng mặt. Có lẽ nó sẽ được dành cho một bài thơ theo phong cách "hậu hiện đại" của thế hệ con cháu Tế Hanh chăng?

Nhưng chúng ta, và thơ ca Việt Nam đã có "Nhớ con sông quê hương", bài thơ mà nói theo một lão nông quê Bình Sơn của Tế Hanh, là "đọc tới đâu mát tới đó":

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

Nhà phê bình Đặng Tiến ở tận Paris xa xôi, được tiếp xúc với bao nguồn thơ hiện đại khắp thế giới, mà khi đọc lại thơ Tế Hanh, ông vẫn nắc nỏm với câu thơ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè. Theo Đặng Tiến, đó là một câu thơ siêu thực, nó mở rộng biên độ tưởng tượng của người đọc rất nhiều, vì khi tâm hồn được ví với "một buổi trưa hè" thì tâm hồn ấy hẳn không dễ dàng cho ta cảm nhận nó hoàn toàn và theo một hướng nào định sẵn.

Tôi có may mắn được chơi với Tế Hanh, nên tôi cảm thấy tâm hồn và xúc cảm của nhà thơ đàn anh đồng hương với mình này quả thật chân phác nhưng cực kỳ khó nắm bắt. Nó đúng là "một buổi trưa hè" mà ta cảm nhận được nhưng không thể định danh, định hình hay định vị được. Và bài thơ "Nhớ con sông quê hương" có lẽ cũng là bài thơ thể hiện được cái khó nắm bắt ấy của tâm hồn ông, vì giống như một cầu vồng in hình trên mặt sông, nó có thể thoả mãn mỹ cảm của rất nhiều đối tượng đọc khác nhau...

Và, khi là bài thơ vào loại dễ thuộc, dễ phổ biến nhất, thì ẩn nơi vẻ đẹp giản dị không son phấn của từng câu thơ, ta lại cảm thấy một sự bền lòng đầy chất chứa. Như gương mặt đẹp hồn nhiên của một cô thôn nữ, bài thơ chưa bao giờ thổ lộ hết cùng ta:

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi đưa tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ…"

Đó là những câu thơ tự nhiên vào bậc nhất trong thi ca đương đại Việt Nam, mà cũng là những câu thơ đẹp nhất của tuổi thơ và dòng sông quê hương của mỗi người. Khi thơ của một người đã thành thơ của mỗi người, thì "con sông quê hương" ấy cứ chảy trôi ca hát mãi trong đời ta. Không dứt.

Cuối mùa lũ sông Trà Bồng 2010