Vào Bệnh viện (BV) Việt Đức mổ u não lành tính đầu tháng 10, nhưng vì nhiễm khuẩn, chồng chị Nguyễn Thị Hoài (Phú Thọ) đã phải chi thêm gần 80 triệu đồng tiền kháng sinh. Trong khi thông thường, một ca mổ như vậy chỉ tốn từ 7-10 triệu đồng.
Tăng chi phí
Trường hợp của chồng chị Hoài chỉ là một trong hàng chục ca nhiễm khuẩn BV mỗi ngày tại BV Việt Đức. Theo bác sĩ Hoàng Giang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Việt Đức), tỷ lệ nhiễm khuẩn BV ở BV ngoại khoa như Việt Đức cao hơn các BV đa khoa khác từ 7-8%.
Những bệnh nhân dùng máy thở có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. |
Đây là tỷ lệ “chấp nhận được” theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, tiến hành mổ cho hàng trăm bệnh nhân, nên số lượng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn không phải là nhỏ. Trong đó nhiễm khuẩn hô hấp chiếm 30-40% các ca nhiễm khuẩn do các bệnh nhân phải thở máy, nằm lâu, sức đề kháng kém, việc kháng kháng sinh cũng tăng thêm. Kế đó là nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Giang cho biết, việc nhiễm khuẩn sau mổ khiến cho tiền điều trị kháng sinh thường tốn từ 3-10 lần so với tiền điều trị thông thường.
Ông Phạm Đức Mục – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các nghiên cứu cho thấy, nhiễm khuẩn BV tập trung cao ở khu vực cấp cứu và ngoại khoa. Vi khuẩn đến từ: Nội sinh người bệnh, do môi trường, dụng cụ khám chữa bệnh, phẫu thuật và từ tay cán bộ y tế. “Việc cán bộ y tế lười rửa tay đã được coi là nguyên nhân của 5-10% các ca nhiễm khuẩn BV mỗi năm” – ông Mục cho biết.
Chỉ 40% số cán bộ y tế rửa tay đúng cách
Trong nhiều năm, Bộ Y tế đã xác định rửa tay là biện pháp hữu hiệu nhất để làm giảm khả năng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, điều tra của Bộ Y tế trên khoảng 6.000 nhân viên y tế đã được tập huấn quy trình rửa tay vệ sinh an toàn nhưng chỉ có 40% số họ rửa tay đúng cách. “Có nhiều lý do khiến họ ngại rửa tay, nhưng cơ bản là vì họ vẫn chưa “ngấm” tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách” – bác sĩ Giang cho biết.
Theo bác sĩ Giang, việc cán bộ y tế đi găng tay thăm khám bệnh nhân không làm giảm khả năng nhiễm khuẩn BV, mà chỉ phòng lây bệnh cho chính nhân viên y tế đó. Hơn nữa, việc đi găng càng khiến cán bộ y tế chủ quan trong việc rửa tay.
Theo GS –TS Trần Quy – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Hà Nội thì: “Thay đổi hành vi không thể một sớm một chiều. Trước đây, tỷ lệ rửa tay chỉ là 10%, sau khi tuyên truyền đã lên được 40-50%, có nơi được 60%. Như vậy đã là những tín hiệu mừng”. Ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện quy trình rửa tay, GS Quy cho biết, cần phải tăng cường các bồn rửa tay thuận tiện, kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ, không nên lạm dụng.
Diệu Linh