Dân Việt

5 dạng vi phạm phổ biến về đạo đức báo chí

12/10/2012 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 11.10, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin.

Hơn 40 tham luận gửi tới hội thảo tập trung vào 2 cụm chủ đề: Công tác thông tin và đạo đức nghề nghiệp; pháp luật và trách nhiệm xã hội của báo chí.

Nhận diện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số hội viên - nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ ra 5 dạng phổ biến là: Vi phạm pháp luật do nhận thức non kém về chính trị; vi phạm do thiếu kiến thức nói chung, trong đó có kiến thức về pháp luật; vi phạm do ý thức công dân kém, cố tình vi phạm để mưu lợi; vi phạm do yếu kém về nghiệp vụ báo chí, nhất là trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin và vi phạm do thiếu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức báo chí như: Nhận thức về chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của các báo chưa đầy đủ; Ý thức chấp hành pháp luật của nhà báo và cơ quan báo chí chưa cao; Sự tắc trách của phóng viên trong hoạt động nghề nghiệp; Xác định và kiểm chứng nguồn tin hạn chế; Khai thác thông tin trên mạng xã hội không có kiểm chứng và Quy trình tác nghiệp của nhiều tòa soạn chưa nghiêm, bỏ qua nhiều khâu...

Thảo luận tại hội thảo, nhiều nhà báo đã chỉ ra những tồn tại với nhiều dẫn chứng cụ thể là những bài học kinh nghiệm cho các phóng viên, biên tập viên và các nhà lãnh đạo báo chí tham khảo. Nhà báo lão thành Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) đặt vấn đề: Mạng không là xấu, mạng cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin. Nhưng khai thác trên mạng ra sao? Chỉ là khai thác tư liệu để tham khảo thôi, chứ không thể lấy nguồn tin trên mạng. Nguồn tin phải tự mình tìm tòi và bắt buộc phải kiểm chứng thông tin. Nhà báo Đỗ Phượng nhấn mạnh: Nếu nhà báo có ý thức với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình sẽ đảm bảo được đạo đức nghề báo.