Dân Việt

Rau an toàn đã có chỗ đứng

12/10/2012 09:56 GMT+7
(Dân Việt) - Việc dán tem cho rau an toàn (RAT) tiếp tục khẳng định thương hiệu và chỗ đứng của sản phẩm này trên thị trường Hà Nội. Đây cũng được coi như “bà đỡ” giúp ngành sản xuất RAT của thành phố phát triển.

Tăng lượng tiêu thụ

Theo ông Đặng Văn Thành, thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì - một trong những hộ tham gia sản xuất RAT, từ ngày dán tem chứng nhận sản phẩm an toàn lượng tiêu thụ đã tăng nhanh, có nhiều đơn đặt hàng dài hạn. "Trước đây, gia đình tôi vẫn phải chở rau ra các chợ đầu mối để bán. Bây giờ rau được dán nhãn nhận diện RAT, người tiêu dùng yên tâm hơn và đầu ra của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn" - ông Thành cho biết.

img
Dán tem nhận diện RAT cho sản phẩm rau ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì.

Ông Đặng Bá Thắng -Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan cho biết: "Hiện toàn HTX có 52,7ha trồng rau với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Bình quân sản lượng rau của HTX đạt 5 - 7 tấn/ngày, giá bán trung bình 6.000 - 8.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho các công ty, cửa hàng, đơn vị trên địa bàn và các chợ đầu mối”. Theo ông Thắng, lâu nay nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về chất lượng rau và không phân biệt được RAT và rau thông thường. Do đó, việc dán tem nhận diện RAT tạo thuận lợi cho cả người tiêu dùng và các hộ sản xuất”..

Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, năm 2012, Chi cục đã phối hợp với các địa phương rà soát, định vị được 3.800ha RAT, phân bố ở 93 xã trọng điểm. Tính đến tháng 9.2012, toàn thành phố đã có 25 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với diện tích 1.652ha, trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư thi công. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã hình thành mạng lưới gồm 35 siêu thị và 52 cửa hàng RAT.

Quản lý chặt nguồn tem

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2012, Hà Nội sẽ có 29 điểm, cơ sở sản xuất RAT được dán nhãn nhận diện sản phẩm tại các huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức... Ông Trịnh Văn Nghĩa - Chủ nhiệm HTX rau Hòa Bình (Hà Đông) cho rằng để tiếp tục tạo ra chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm RAT, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ đầu vào, đầu ra và quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV), đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần tăng cường kiên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất và đẩy mạnh giám sát công đồng về chất lượng RAT.

Diện tích gieo trồng rau của thành phố khoảng 29.000ha/năm, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 chủng loại rau. Năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm, mới đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện nay toàn thành phố có 56 điểm sản xuất RAT với diện tích 3.800ha, sản lượng 280.000 tấn/năm. Nếu dán tem hết diện tích này cần 200 - 250 triệu con tem và nếu dán toàn bộ diện tích RAT của thành phố cần 1 tỷ con tem mỗi năm. “Việc gắn tem nhận diện RAT chính là gắn trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất. Chi cục BVTV Hà Nội quản chặt nguồn tem, xuất cho đơn vị nào phải cập nhật từng ngày. Chúng tôi sẽ đề nghị UBND thành phố chỉ định cơ quan in ấn, ngăn chặn tình trạng làm giả tem”- ông Vân khẳng định.

Còn ông Nguyễn Thành Lưu - Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cũng nhấn mạnh, để đảm bảo uy tín cho các cơ sở sản xuất và giữ niềm tin của người tiêu dùng, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tem, tránh thất thoát ra bên ngoài