Dân Việt

Suýt bỏng "của quý" vì nổ cồn nướng mực

12/10/2012 11:45 GMT+7
P. cầm lọ cồn 90 độ đổ vào đĩa mực đang cháy nên bị phát nổ ngay trên tay khiến bỏng nặng hai chi dưới, ngực và bàn tay. Cậu may mắn chưa bị bỏng “của quý”.

Nằm điều trị ở Khoa Bỏng người lớn – Viện Bỏng quốc gia, Cao Bá P. (21 tuổi) ở Sơn Dương, Tuyên Quang chia sẻ, cậu cảm tưởng như từ cõi chết trở về sau phen nổ lọ cồn dùng để nướng cá xảy ra hôm 27.9.

Khi đó, P. cùng bạn ở phòng trọ ra tiệm tạp hóa gần nhà mua một chai cồn 90 độ về nướng cá chỉ vàng. Đang nướng, lửa trên khay tắt, cậu sinh viên cầm lọ cồn đổ vào nhưng không ngờ bị phát nổ ngay trên tay khiến lửa bùng lên, bỏng nặng hai chi dưới, ngực và bàn tay. Cậu may mắn chưa bị bỏng “của quý”.

img
Nam sinh bị bỏng do cồn sau 10 ngày điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.

“Em may mắn được bạn dập lửa kịp thời, đưa tới bệnh viện. Vết bỏng ở cẳng chân, đùi sâu nên em phải mổ ghép da. Thỉnh thoảng chúng em vẫn dùng cồn nướng cá, mực khô nên chủ quan, chẳng ngờ gây nổ như vậy” – P. chia sẻ.

Dùng cồn 90 độ để nướng cá, mực khô không phải thói quen của riêng P. Nằm bên cạnh giường bệnh của cậu là bà Nguyễn Thị M. (78 tuổi) ở Hà Nội cũng bị bỏng nặng do nướng cá khô. Cụ ông ngồi quạt cho vợ kể lại, hôm đó cụ bà nướng cá, đợi các con, cháu về ăn và bị phát nổ. Hậu quả là tay phải và hai chân dưới bị bỏng nặng, mới vào điều trị được vài ngày nên vẫn đang được bác sĩ điều trị tích cực.

Cồn gây cháy, nổ nguy hiểm nhưng không mấy ai đề phòng. Muốn nướng cá, người ta có thể ra tiệm tạp hóa ngoài chợ, hay vào hiệu thuốc để mua cồn. Lọ cồn dùng để sử dụng nhỏ nhưng nếu bị phát nổ, lửa bùng lên thì sức lan tỏa của nó không khác gì xăng.

Anh Nguyễn Văn H. (35 tuổi) ở Hà Nội cũng bị bỏng cồn và được điều trị tại viện Bỏng trong vòng 12 ngày. Vì các vết bỏng đang lên da non, bị ngứa nên anh H. mặc mỗi chiếc quần đùi, nhìn từ mặt xuống dưới chân, những vết sẹo đỏ hỏn, loang lổ. “Tôi vào viện, bác sĩ còn hỏi vui đã ăn được con mực nào chưa. Hôm ấy, mấy anh em bạn bè ngồi nướng mực khô, tôi không trực tiếp làm. Bạn tôi đổ cồn vào nướng, nó phát nổ rồi bùng hết vào tôi” – anh H. chia sẻ.

“Không ngờ tới” – đó là tâm lý chung của những người bị bỏng do cồn. Họ nghĩ lọ cồn nhỏ, dùng để nướng chút cá sẽ chẳng gây bệnh tật gì. Chị Hoàng Thị N., phụ huynh của một sinh viên cũng bị bỏng tâm sự: “Con tôi học năm cuối Trường trung cấp Y Nghệ An mới bị bỏng cồn hôm 8.10. Cháu học Y, biết cồn cháy thế nào nhưng vẫn chủ quan. Việc quản lý, sử dụng cồn nếu được cảnh báo nhiều hơn có lẽ đã không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như thế này”.

Theo Infonet