Thế là cha tôi mất đã được 5 năm, 6 chị em chúng tôi đã khánh thành “Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân” cho cha ở Ngõ 424 nhà số 35 Trần khát Chân, Hà Nội. Thành Chương em tôi vừa khai trương Nhà tưởng niệm cho cha tôi ở trên Phủ Thành Chương.
Bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm về cha tôi cùng với chúng tôi, các con của ông, cùng ùa về với tôi.
Họa sĩ Thành Chương |
Nhớ khi tôi chuyển vào TP.HCM công tác theo yêu cầu của Xưởng Mỹ thuật Quốc gia, vào liên doanh với công ty du lịch Vũng Tàu. Một khu du lịch có biển, có bãi cát, cánh đồng rộng và núi đá. Tôi đã bàn với công ty du lịch mà lúc đó Tổng giám đốc là anh Ngô Thế Dũng để làm 1 khu “ Không gian văn hóa Việt Đồng bằng Bắc bộ”.
Tôi đã cùng chồng tôi là Lê Dưỡng Hạo (nay đã mất) viết 1 bản dự án về khu đó, gồm: khu nhà sàn các dân tộc miền núi, nhà 3 gian, nhà 5 gian 2 trái Bắc bộ, sàn gạch, cầu đá, nhà bát giác giữa hồ, giếng nước, ao làng, khu múa rối nước, khu hát chèo, quan họ, chầu văn, tường đá ong, nhà đất nện gần như nhà của cha mẹ tôi khi xưa trên đồi Văn nghệ Nhã Nam, Yên Thế khi chúng tôi còn bé. Khu bầy đồ, nhà khách lớn, sân đình, hồ sen, tháp cao,… Tôi đã bàn với cha tôi , cha tôi thích lắm, nói đây là ý tưởng rất hay. Cha tôi góp ý rất nhiều những chi tiết rất cần thiết, thậm chí ông còn bay vào TP.HCM để trao đổi với vợ chồng tôi về khu văn hóa Việt này để tôi làm dự án cho Khu du lịch Vũng Tàu tốt nhất.
Sau nhiều lần xét duyệt, cuối cùng dự án “ Không gian văn hóa Việt Đồng bằng Bắc bộ” của tôi được Khu du lịch chấp nhận và đồng ý cho làm ở khu Bình Giã - Vũng Tàu, khoảng 3 Hecta, trong đó có ông Ngô Thế Dũng – Tổng giám đốc, ông Ngô Thái Kiên, bà Nguyễn Thị Hồng Thái cháu ngoại nhà văn Nguyễn Tuân, ông Vinh là chủ đầu tư. Với dự án ấp ủ của tôi từ lâu, nay được chấp thuận cho phép làm, thật háo hức, giấc mơ ấp ủ bấy lâu của tôi giờ đã có cơ hội thành hiện thực.
Tôi gọi các em tôi vào TP.HCM. Nguyễn Mạnh Đức, Từ Ninh đều là họa sĩ, có nhiều điểm rất hợp với công trình này, và thường đi khắp nơi, kể cả những nơi hẻo lánh nên rất am hiểu những nhà sàn, nhà cổ, Đức lại rất hiểu về văn hóa Việt, nên có thể giúp tôi thu thập, ghi chép lại những nếp nhà cổ, đồ cổ, văn hóa, tâm linh các vùng miền để làm tài liệu.
Nhà văn Kim Lân |
Tôi cũng gọi Thành Chương và Thanh Quý (vợ cũ của Chương) vào. Tôi cùng Thành Chương, Thanh Quý ra Vũng Tàu nhiều lần để tham khảo khu đất. Sau đó Dự án đã cấp cho tôi 1 khoản tiền để đi tìm tài liệu và dựng sa bàn. Tôi đã đưa toàn bộ số tiền cho Chương và Thanh Quý để 2 em đi chụp ảnh các khu di tích chùa chiền, tháp cổ, nhà cổ, .v.v… để làm tư liệu tham khảo cũng như để Chương làm 1 sa bàn theo sơ đồ dự án của tôi. Sau khi nhận tiền, Chương và Thanh Quý đã đi chụp ảnh để lấy tài liệu, nhưng rất tiếc sau đó dự án không thực hiện được vì không đủ vốn .
Và Chương đã giữ tất cả tài liệu đi chụp ảnh cũng như ý tưởng của dự án ban đầu về “Khu Văn hóa Việt Đồng bằng Bắc bộ”, để tiếp tục kiên trì, lặng lẽ trong nhiều năm bằng nghị lực của mình dần dần tạo dựng nên Phủ Thành Chương bây giờ. Đi thăm Phủ lòng tôi xốn xang, bồi hồi, vui sướng, pha một chút tiếc nuối khi nghĩ tới dự án năm xưa của mình không thực hiện được, nay đã hiện hữu mồn một ở Phủ của Chương. Tôi nghĩ em tôi thật là 1 người đầy nghị lực, kiên nhẫn, và tài hoa.
Cũng tại Phủ này, năm 2010 tôi đã tổ chức Triển lãm “Những con chữ” của tôi ở trên Phủ, với 55 bức tranh SM đưa ký tự chữ viết của 55 nhà văn, nhà thơ, họa sỹ .v.v… vào trong tranh để Triển lãm ở trên Phủ Thành Chương nhân Kỷ niệm chào đón 1000 năm Thăng Long Thủ Đô văn hiến. Những con chữ của những người đã có đóng góp cho nến văn hóa của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng, đưa vào trong tranh như 1 sự tôn vinh họ. Triển lãm đã được Thành Chương, chủ nhân của Phủ tổ chức cho tôi – Chị em tôi rất tâm đắc.
Gần đây Chương làm nhà tưởng niệm cho bố ở trên Phủ của Chương, đưa chữ trong sách viết của bố lên tường để tôn vinh bố - Một triển lãm sắp đặt rất đẹp. Chúng tôi vui mừng vì bố của chúng tôi có thêm 1 khu tưởng niệm nữa. Thế rồi bỗng sau khi nhà tưởng niệm của Chương khánh thành, bao nhiêu chuyện đã xảy ra.
Nhớ sau khi bố tôi – nhà văn Kim Lân - mất, anh em chúng tôi muốn làm nhà lưu niệm bố theo tinh thần giữ nguyên hình ảnh thật về bố, ấm cúng, giản dị, mộc mạc, tài hoa, lưu giữ những kỷ vật và giá trị tinh thần, những hình ảnh hoạt động của ông với các con cháu, họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè trong suốt cuộc đời của ông mà ông đã để lại như khi ông vẫn còn đang sống. Quan điểm chung là nhà lưu niệm này do 7 người con của Kim Lân làm, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ là nơi đoàn tụ của con cháu như điều mà bố tôi lúc sinh thời từng mong muốn: “Làm sao để các con cháu quấn túm với nhau”.
Chúng tôi thống nhất sẽ lấy ngôi nhà ở số 6 phố Hà Hồi, Hà Nội, nơi gắn bó chúng tôi, 7 người con với cha mẹ từ lúc sinh thời để làm nhà lưu niệm và giao cho con trai trưởng, hoạ sỹ Thành Chương “tổng chỉ huy” việc này. Nhưng rồi 3 năm sau, việc làm nhà lưu niệm vẫn không có gì nhúc nhích, kỷ vật của bố tôi trong ngôi nhà ở phố Hà Hồi ẩm mốc, và hư hại nhiều.
Đúng 3 năm ngày giỗ bố, Chương tuyên bố với các em là sẽ không làm giỗ bố nữa, nhà ai tự làm, giỗ mẹ thắp nén nhang là đủ, giỗ ông bà thì bỏ luôn – tại sao trưởng lại không làm giỗ cha mẹ, tại sao giỗ ông bà lại từ bỏ? Vậy đời con của Chương và đời con của chúng tôi sẽ không cúng giỗ cho ông bà nữa sao? Thế rồi, vì không tiến triển việc làm nhà lưu niệm, lại không có người con nào ở hẳn đó mặc dù đã 3 năm thuê ôsin trông coi, ngôi nhà ở phố Hà Hồi đành bán đi, chúng tôi đóng góp chung một số tiền giao cho Chương để làm nhà lưu niệm bố tôi ở phủ Thành Chương. Những kỷ vật, đồ đạc của bố tôi lại được gói gém để chuyển lên phủ Thành Chương làm nhà lưu niệm và thờ tự ở đây.
Một năm sau khi đưa đồ dùng, kỷ vật của bố tôi lên phủ Thành Chương, việc làm nhà lưu niệm cũng không có động tĩnh gì. Một số người bạn của tôi, khi lên phủ Thành Chương muốn thắp hương cho nhà văn Kim Lân nhưng không tìm thấy bàn thờ. Họ nhìn thấy đồ đạc kỷ vật của bố tôi bị bỏ ở gian kho sau nhà, 10 phần thì hư hỏng 4 phần, nhất là ảnh và đồ dùng của bố. Tôi và các em giục Chương làm thì quan điểm của Chương lúc ấy là: không làm nhà lưu niệm của bố với anh em trong nhà, không muốn dính dáng vì sợ mọi người sẽ lên Phủ đòi chia tiền bán vé vào cửa vì có nhà lưu niệm của bố ở đây.
Một góc nhà lưu niệm Kim Lân do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dựng cho cha |
- Chương nhấn mạnh: nếu Chương làm nhà lưu niệm thì đó sẽ chỉ là của riêng Chương, thuộc về Việt phủ Thành Chương thôi. Không liên quan đến bất kể ai, kể cả chị em ruột. Tôi và các em tôi phản đối vì muốn làm nhà lưu niệm phải là của chung tất cả 7 người con theo ý nguyện của bố. Cả nhà đã bị xúc phạm và rất bức xúc về điều Chương nói.
Sau đó Chương tuyên bố: vậy anh em ai muốn làm nhà lưu niệm cho bố thì làm, Chương không làm nữa, và bảo các em lên phủ mà chở đồ đạc kỷ vật của bố về.
Chính 5 em tôi – Hạnh, Đức, Dũng, Ninh, Tuấn đã lên phủ chở đồ về, khi đó tôi đang ở TP. HCM. Ban đầu các em tôi đưa đồ đạc của bố tôi về và định làm nhà lưu niệm tại nhà con trai thứ hai là hoạ sỹ Nguyễn Mạnh Đức, nhưng vì nhà của Đức là nhà sàn nên có nhiều cái bất tiện, không thể xây thêm không gian được sau đó định làm ở nhà hoạ sỹ Việt Tuấn, (con trai út), nhưng Việt Tuấn lúc đó đang sửa nhà, mà điều kiện cũng chật chội nên lại thôi.
Sau đó các em tôi gọi tôi ra Hà Nội để họp cả nhà, cả nhà mời Chương về nhưng Chương không về họp, lúc đó 6 người mới thống nhất ký văn bản đưa sang nhà tôi ở Trần Khát Chân để làm nhà lưu niệm cho bố tôi tại đây. Sự việc là như vậy và 5 người em của tôi đều chứng kiến. Nhưng trên công luận, họa sỹ Thành Chương lại “vẽ” ra một hình ảnh về tôi – hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền gần 70 tuổi bay từ TP.HCM ra Hà Nội, một mình lên phủ Thành Chương giành đồ đạc của bố mang về nhà riêng của mình. May mà bố tôi nghèo, nếu không thì người ta cứ nghĩ tôi đi tranh của – thật đáng xấu hổ.
Một hôm đang ngồi vẽ. Bỗng điện thoại réo, một người bạn ở Hải Phòng gọi vào cho tôi nói: Hiền ơi, mình đọc tờ báo “Nghệ thuật mới” thấy nói linh tinh rằng Hiền là “nữ nhi ngoại tộc” việc thờ cúng phải của con trưởng Thành Chương, rồi chiêm ngưỡng bát hương hồn cốt đích thực, tâm linh phải lên trên Phủ Thành Chương, và muốn đến xem quần áo, đồ dùng, vật dụng, patong, kính, bút, .v.v… thì đến nhà lưu niệm. Rồi đồ đạc của bố đã bị chị gái (Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền) mang về nhà riêng làm nhà lưu niệm – sao lại phát ngôn kiểu đó?
Tôi nói tôi không có tờ báo đó, vậy đó là tờ báo nào, bạn tôi nói là tờ “Nghệ thuật mới” vừa ra số 8 – chạy đi tìm mua không có ở sạp báo – các em tôi lại tới tấp gọi điện thoại vào, vô cùng bức xúc và giận dữ, tôi nói tôi không có báo các em nói tôi mở trên mạng ra đọc.
Gọi điện thoại cho tác giả A Sáng – đọc cho A Sáng nghe hỏi tại sao em lại viết trên mạng là: Sau khi bán ngôi nhà, tất cả những hiện vật còn lại như cái bút, cái ba-toong, quyển sách, ấm trà… của cha tôi được đưa lên Việt Phủ. Nhưng những tranh cãi bất thành về khu lưu niệm, cuối cùng những hiện vật của cha tôi đã bị chị gái tôi (họa sỹ Nguyễn Thị Hiền) mang về nhà chị và thành lập một khu gọi là “Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân”. A Sáng nói chị đọc cái gì thế, em có viết thế đâu, để em lấy báo em viết đọc cho chi. Em viết là: Sau khi bán ngôi nhà, tất cả những hiện vật còn lại như cái bút, cái ba-toong, quyển sách, ấm trà… của cha tôi được chị gái tôi (họa sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền) chuyển về ngôi nhà số 35, ngõ 424, Trần Khát Trân (Hà Nội) và thành lập một khu gọi là “Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân”. Nhưng bài trên mạng vẫn lấy tên, tác giả là em mà!
Tôi lại hỏi A Sáng tại sao viết “Nữ nhi ngoại tộc” và việc thờ tự Nhà văn Kim Lân là việc của Thành Chương vì nó là con trai trưởng trong khi tên báo là “Nghệ thuật mới”, tiên phong - trong khi cả thế giới đưa ra bình quyền nam-nữ mà lại đưa ra quan điểm không chắt lọc về phân biệt nam – nữ, trưởng –thứ .v.v… A Sáng nói ghi âm lời Thành Chương chứ không tự ý viết. Tôi hỏi A Sáng thế cứ ai nói gì em cũng đưa lên báo à? Và phải xác minh tính chính xác của thông tin chứ?
Tôi lại hỏi A Sáng tại sao lại viết hồn cốt cha tôi chính là ở đây (ở Phủ) mà biểu hiện là bát hương thờ tự này và chỉ ở đây mới có ý nghĩa tâm linh? Em có biết viết như thế là phản cảm lắm không? Em có hiểu khi cha mẹ mất đi các con đều có bát hương thờ tự, chị ở xa, tận TP.HCM cũng phải có bát hương thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên chứ - vậy ở đây thì không tâm linh à?ở nhà các con khác của ông cũng không có giá trị tâm linh sao? ở nhà lưu niệm thì không tâm linh à? Chị nghĩ chỉ cần lòng thành, tâm sáng thì dù giầu - nghèo, to - nhỏ, trai – gái, trưởng – thứ thờ cha mẹ mình đều tâm linh cả.
Tôi lại hỏi sao tác giả lại đưa ra câu hỏi: “Như chúng ta đã biết, trước đó chị gái ông, họa sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền đã thành lập một Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, bây giờ ông lại thành lập Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân. Như vậy một nhà văn lại có hai nơi tưởng niệm, điều này có gì có thiếu tế nhị hay bất thường so với thông lệ?”. Tại sao A Sáng lại đưa ra câu hỏi khẳng định là tôi đã làm nhà lưu niệm cho riêng mình? Khi hoàn toàn sai sự thật. Sao lại thiếu tế nhị và bất thường? và có thông lệ nào khi các con cháu làm nhà lưu niệm và tưởng niệm cho cha mẹ? có thông lệ nào chỉ được 1 hoặc 2? .v.v… Đây mới chính là 1 câu hỏi thiếu tế nhị, bất bình thường, phi lý và thiếu hiểu biết.
Các em tôi yêu cầu tôi ra Hà Nội để gặp tòa soạn, nhà báo hỏi tại sao lại viết bài và hỏi những câu như vậy?
Đành gác việc vẽ lại bay ra Hà Nội ngay hôm sau, cầm tờ báo ở mạng của Phủ và tờ báo “Nghệ thuật mới” các em đưa tôi đọc, té ra báo chính thống và mạng của Phủ có nhiều chỗ khác nhau. Bản thân tôi khi so sánh giữa báo và mạng của Phủ không những viết lại, cắt xén, biên tập lại báo để đưa ý riêng, sai sự thật, với dụng ý phục vụ cho ý đồ riêng.
Các em tôi nói nên xem các bài khác của báo chí viết, thế nào cũng dễ bị mạng của Phủ Thành Chương cắt xén, chỉnh sửa theo ý mình để đưa lên mạng riêng. Tôi đã in lại một số bài báo đưa trên mạng Việt phủ Thành Chương và các bài viết của tác giả để so sánh, tất cả đều bị chỉnh sửa, thêm bớt, cắt bỏ. Ví như tác giả viết “kỷ vật” của Nhà văn Kim Lân thì sửa lại thành “đồ dùng, vật dụng”, “chiêm ngưỡng” thì thành “xem” – còn xuyên tạc về tôi thì không cần phải bàn nữa, họ đã sửa và viết lại hoàn toàn để nói sai về tôi nhưng vẫn dùng bài của tờ báo và tên tác giả để đưa lên mạng của Phủ? Sao ai đã cố tình làm việc này? Và vì mục đích gì?
Bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm ùa về - Nhớ thuở ấu thơ tôi và Thành Chương ngày ngày cắp cặp đi vẽ cùng nhau Phố Khâm Thiên, Sông hồng, Phố cổ, tối tối ra ga Hàng Cỏ Ký họa những người chờ tầu xe với các giáng nằm ngồi ngổn ngang. Sau này vào trường Mỹ thuật – ngày nào cũng cắp cặp cùng nhau sáng tối đi về. Bao nhiêu kỷ niệm, bao gắn bó từ tuổi thơ, đến lúc trưởng thành, rồi chiến tranh, sơ tán, hòa bình, vui sướng, nhọc nhằn, nhớ tới suốt 2 năm vợ chồng tôi nuôi cháu, con của Chương để cai nghiện cho cháu ở nhà tôi tại TP. HCM, và ngày ngày đưa cháu đi học vẽ.
Những chia sẻ trong nghệ thuật, sự cộng hưởng trong ý tưởng, bỗng nhiên sau khi làm nhà lưu niệm cho cha và Chương làm nhà tưởng niệm cho Bổ ở trên Phủ trở thành 1 điều gì không hiểu nổi. Làm sao tôi tin được 1 đứa em như thế của tôi lại cắt sửa bài báo để điền vào những điều sai sự thật về tôi? Và hạ thấp cha mình xuống, tôi không thể nghĩ Chương làm thế, Chương là người có học, nổi tiếng, Chương là người của công chúng, và nhất là đã có gần 40 năm làm báo, chắc chắn phải rất hiểu luật báo chí – Có người nào đó, không phải Chương, đã lẩn mẩn làm việc nhỏ mọn, ích kỷ, và thiếu văn hóa này trên mạng của “Việt Phủ Thành Chương”. Ai đã tạo ra 1 hình ảnh giả tạo Chương cô đơn tuyệt vọng, bị chị gái là tôi cướp hết đồ, kỷ vật, di bút của bố để làm nhà lưu niệm riêng cho tôi ???
Ký ức đã trôi đi hết rồi sao? Theo đuổi cầu vồng ngũ sắc trong ảo giác để tưởng mình đang đứng ở đâu? Để quên đi mình đã từng có chung cha mẹ, chị em ruột thịt, con cháu, họ hàng? Phủ là thành quả của Chương nhưng không lẽ ngoài Phủ ra không còn gì thiêng liêng nữa sao? Tại sao phải dựng chuyện về chị gái mình? Tại sao lại phải phân biệt nữ - nam, trưởng – thứ? trong khi bố là người đã từng viết “Vợ nhặt”, “Đứa con người vợ lẽ”, bố là người hiểu và rất tôn trọng nam – nữ bình quyền.
Chương tuyên bố với các em là sẽ không làm giỗ bố nữa, nhà ai tự làm, giỗ mẹ thắp nén nhang là đủ, giỗ ông bà thì bỏ luôn – Sao trưởng lại không làm giỗ cha mẹ, sao giỗ ông bà lại từ bỏ? Vậy đời con cháu chúng ta sẽ không cúng giỗ cho ông bà, và không cúng giỗ ngay cả chúng ta nữa sao? Vậy thì làm nhà lưu niệm và tưởng niệm để làm gì? Nhà lưu niệm của cha tôi làm ở nhà của tôi không thể là của riêng tôi mà là của 7 người con của bố Kim Lân trong đó có cả Chương nữa, cũng như nếu Chương làm nhà lưu niệm ở Phủ cũng không thể là của riêng Chương như Chương yêu cầu được – vì cha tôi là của tất cả các con cháu trong gia đình, và các con cháu của cha mẹ chính là tài sản của cha mẹ để lại.
Sống trong ảo giác cầu vồng nào mà em tôi hay ai đó đã đưa những thông tin cố tình sai lạc? bóp méo sự thật về việc làm nhà lưu niệm cho cha tôi? Ai tranh giành ai?
Tôi nghĩ chính cha tôi nơi suối vàng sẽ là người buồn nhất khi ông thấy việc này! Nhớ lại lời cha đã dặn 7 người con của ông: “Các con là 7 người con của cha mẹ, các con phải luôn nhớ dù cha mẹ có mất rồi, dù bất kỳ điều gì xảy ra và sẽ xảy ra, các con nhớ hãy luôn luôn đoàn tụ cùng nhau trong một gia đình, giữ nếp nhà, chị em đoàn kết gắn bó bảo ban nhau để bảo tồn truyền thống gia đình. Các con có đứa thành tài, nổi tiếng, giàu có hay nghèo khó, không tên tuổi, thành công hay thất bại, dù gì các con hãy luôn nhớ, các con có thể là người bình thường trong xã hội, nhưng các con không bao giờ được là người tầm thường và các con phải là người tử tế”.
Nhớ lời cha dặn, 6 chị em chúng tôi đã làm nhà lưu niệm cho cha, trước hết là cho gia đình con, cháu có nơi gặp gỡ, đoàn tụ gắn bó cùng nhau, một nơi để về như ngôi nhà số 6 Hạ Hồi gắn bó lúc tuổi thơ, tuổi trẻ một thời, nơi chúng tôi luôn về như khi cha mẹ chúng tôi còn sống.
Cha tôi ra đi đã được 5 năm, lời dặn của ông, nếp sống của ông 1 đời thanh bạch, không bon chen, không bán văn vì tiền, 1 nhân cách sống, 1 tài hoa, 1 người tử tế để chúng tôi noi theo.
Nhà lưu niệm với những kỷ vật của cha cũng là nơi chúng tôi, con cháu của ông nhớ về ông và có thể tự hào về cha, ông mình, là nơi để bạn bè ông, những người yêu mến văn chương của ông, con người ông, những học sinh sinh viên từ các nhà trường học văn của ông đến thăm ông như những người bạn chân tình, như là ông vẫn còn sống. Cha tôi đã sống một cuộc đời bình dị, thanh bạch và nhân hậu. Nhà văn Nguyên Hồng bạn tri kỷ của cha tôi khẳng định “Kim Lân là 1 nhà văn một lòng đi về với đất, với thuần hậu nguyên thủy”
Mỗi khi có bài báo mới ra viết về cha tôi, dù đúng dù sai chúng tôi đều đặt lên bàn thờ cha mẹ tại nhà lưu niệm của ông để báo cáo với ông mọi việc và hóa đi gửi tới cho ông biết.
Tôi xin thắp nén nhang cho cha tôi, cầu mong ông thanh thản, tự do, tự tại, khoáng đạt như mây như gió và chúng tôi sẽ mãi nhớ lời ông dặn: luôn luôn đoàn tụ cùng nhau để bảo tồn truyền thống gia đình – không bao giờ được là người tầm thường, luôn phải là người tử tế.
Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền