Dân Việt

Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn: Nhu cầu lớn, nguồn cung nhỏ

13/10/2012 09:06 GMT+7
(Dân Việt) - Tại Hải Phòng, do tốc độ đô thị hoá nhanh, đất canh tác tại các vùng ngoại thành ngày càng bị thu hẹp khiến nông dân thiếu việc làm, trong đó chiếm tới hơn 50% số lao động là nữ.

Chính vì vậy, việc tạo nghề phụ cho lao động nữ đang là vấn đề bức thiết.

Thiếu việc, tha hương…

Sau một ngày đẩy xe hàng rong ruổi khắp các ngõ ngách của nội thành và ngoại thành Hải Phòng để mưu sinh, khi tối trời, chị Nguyễn Thị Nga (quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa) lại dừng chân tại một công viên ở phường Bắc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng để đợi bạn.

img
Lao động nữ ở nông thôn rất cần được hỗ trợ và tạo điều kiện học nghề phù hợp để tăng thu nhập.

Chị Nga chia sẻ: Gia đình chị vốn làm ruộng, công việc vất vả, nhiều rủi ro mà thu nhập kém nên chị phải xa chồng, xa con nhỏ để ra Hải Phòng kiếm sống. Hàng ngày, chị đẩy xe chất hàng trăm loại mặt hàng từ quần áo, đồ chơi, vật dụng nhỏ dùng trong gia đình… đi bán.

“Mỗi buổi phải đi tới 30 - 40km. Vậy mà ngày đắt hàng thu nhập cũng chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng”- chị than. Tiền thuê nhà chị trả theo ngày với giá 10.000 đồng/ngày. Một phòng trọ nhỏ nhưng chứa tới cả chục người. Mỗi người chỉ cần manh chiếu để ngủ là xong. Chị ăn uống kham khổ để chắt chiu từng đồng, từng hào gửi tiền về quê nuôi con nhỏ.

Chị Nga cho biết, chị còn có mấy chị em đồng hương cùng ra Bắc mưu sinh. Một vài chị em may mắn có chồng cùng ra thì còn có chỗ dựa sau mỗi buổi chạy chợ. Tuy nhiên, họ cũng vẫn phải vất vả bươn chải kiếm sống từ xe hàng rong bởi cũng không có ngành nghề ổn định.

Không chỉ riêng phụ nữ tỉnh ngoài, nhiều phụ nữ ngoại thành Hải Phòng ở các huyện An Dương, Tiên Lãng… cũng ngày ngày rong ruổi trên từng cây số để kiếm sống như chị Nga. Chị em đều chia sẻ: Nếu không bán hàng, chị em không biết làm nghề nào khác, bởi chuyển đổi thì phải có nghề trong tay hoặc có chút lưng vốn. Các chị đều ở lứa tuổi đội trung niên nên không biết mình phù hợp với ngành nghề nào để chọn học.

Đào tạo nghề phù hợp

Theo bà Nguyễn Thị Vinh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, Trung tâm liên kết, phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn triển khai công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm theo Đề án 1956 và Đề án 295. Qua đó, đã tuyển sinh được 19 lớp học nghề với 665 học viên, liên kết với một số doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho 4.056 hội viên, phụ nữ…

Trung tâm đã tổ chức dạy lưu động 7 lớp thuộc các ngành nghề như: Mây tre đan, khâu bóng xuất khẩu, kỹ thuật nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật, làm đẹp… Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn chiếm tới 60% tổng số lao động trên địa bàn, vì vậy việc trung tâm chỉ được phân bổ 7 lớp dạy nghề cho đối tượng lao động nữ vùng nông thôn là quá ít so với nhu cầu thực tế.

“Lao động nữ hiện rất cần học các nghề nấu ăn, cắt may, làm đẹp… để có thể chủ động mở cửa hàng kinh doanh nhỏ tại nhà. Chúng tôi đang nỗ lực tổ chức các lớp như vậy”.

Theo bà Vinh, việc đào tạo nên tập trung, tránh dàn trải để tạo điều kiện cho những chị em kinh tế khó khăn nhưng có khả năng tiếp thu nghề tốt. Bởi thực tế nguồn kinh phí đào tạo nghề chỉ đủ để học viên biết việc chứ không thể giỏi. Muốn giỏi và biết sâu, bản thân học viên phải đầu tư tiền để học nâng cao. Đây cũng là một khó khăn cho phụ nữ vùng nông thôn. Bởi nhiều người họ chỉ muốn kiếm tiền nhanh. Việc phải bỏ thời gian đi học nghề rồi lại đầu tư thêm tiền nâng cao, chỉ số ít chị em có thể theo được.

Chị Bùi Thị Hà - lao động tại huyện An Dương cho biết, khi dạy nghề cho chị em, việc cần nhất là phải phân loại và có danh mục nghề đa dạng, khơi dậy nghề truyền thống để chị em lựa chọn tuỳ theo lứa tuổi và đặc thù nghề của địa phương.