Dân Việt

Tốp 5 ông bầu "mất điểm" nhất bóng đá Việt 2012

23/12/2012 07:40 GMT+7
Dân Việt – Nổi đình nổi đám với những phát ngôn, hành động gây sốc trong làng bóng đá Việt nhưng rồi mỗi người một cách, các ông bầu này đã rút khỏi bóng đá trong năm qua để lại những hậu họa.

1. Bầu Kiên

Thời điểm này năm ngoái, ông Nguyễn Đức Kiên với tư cách CLB bóng đá Hà Nội tha hồ “hô phong hoán vũ”. Tên tuổi của bầu Kiên vốn trước đó đang chìm dần vào quên lãng trong đời sống bóng đá Việt Nam khi đặt bên cạnh “người hàng xóm” là bầu Hiển, bỗng lẫy lừng trở lại.

img
Bầu Kiên (trái) nổi đình nổi đám trong một thời gian với những phát ngôn gây sốc 

Chính những phát ngôn gây “sốc” của bầu Kiên tại lễ tổng kết mùa giải 2011 đã khiến VFF "vuốt mặt không kịp", mở đầu cho cuộc “khởi nghĩa” thành lập VPF, cuộc chiến giành lại bản quyền truyền hình...

Thừa thắng xông lên, bầu Kiên tiếp tục khẳng định mình với phi vụ mua Công Vinh về từ Hà Nội.T&T với cái giá đồn thổi phía hậu trường là khoảng 13 tỷ đồng v.v...

Thế nhưng, khi bầu Kiên dính vòng lao lý, người ta có dịp nhìn lại những gì ông đã nói và đã làm với bóng đá Việt một cách tỉnh táo, thay vì say mê tung hô.

Giờ thì hai đội bóng Hà Nội, Trẻ Hà Nội của bầu Kiên đã tuyên bố giải tán. Nhiều cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp, trong đó hai ngôi sao: Công Vinh, Thành Lương chưa biết đi đâu về đâu. Tổ chức VPF mà bầu Kiên là người khởi xướng, đang gặp rất nhiều khó khăn, bị động trong việc lo kinh phí cũng như các công tác chuẩn bị tổ chức mùa giải mới…

 img
Bầu Thọ bỏ bóng đá khiến cầu thủ Navibank.SG bơ vơ

 2. Bầu Thọ

Năm 2009, ông Nguyễn Vĩnh Thọ xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt bằng phi vụ đình đám mua suất V.League của đội Quân khu 4, sau đó chuyển đội bóng về “định cư” tại TP.HCM với tên Navibank.SG.

Để chuẩn bị cho V.League 2010, bầu Thọ tha hồ bung tiền mua quân. Điển hình là chi trên 10 tỷ đồng để có sự phục vụ của trung vệ Anh Tuấn (Thanh Hóa), Tài Em (ĐT.LA). Khủng khiếp nhất là việc lấy Quang Hải từ K.Khánh Hòa với giá 10 tỷ đồng cùng mức lương 50 triệu đồng/tháng. Có thời điểm, cuộc sống của những cầu thủ khoác áo Navibank.SG là mơ ước đối với cầu thủ các đội khác.

Nhưng thời gian qua đi, khi kinh tế khủng hoảng, ngân hàng “đóng băng”, bầu Thọ cũng “mất tích” luôn cùng một “mớ nợ” lương, thưởng cho đội bóng sau V.League 2012.

Điều gì phải đến cũng đã đến khi bầu Thọ tuyên bố bỏ bóng đá trong sự ngỡ ngàng của ban huấn luyện và các cầu thủ. Navibank.SG sau đó được chuyển giao cho công ty của em trai ông Nguyễn Đức Thụy-Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành và là cựu Chủ tịch CLB bóng đá Sài Gòn.XT.

Và giờ thì chỉ có một số cầu thủ "có số" được chuyển sang Sài Gòn.XT. Số còn lại đang thất nghiệp, chưa được thanh toán đầy đủ lương, thưởng và  giấy thanh lý hợp đồng.

img
Không hẹn mà bầu Thụy (trái) và bầu Trường vốn nổi tiếng bạo chi cùng lúc "dứt tình" với môn thể thao vua

3. Bầu Thụy

"Khởi nghiệp" từ đội hạng Nhì XT.Hà Tĩnh với phi vụ mua Quốc Vượng trị giá 5 tỷ đồng nhưng đội quân của ông Nguyễn Đức Thụy-Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành đã không thể thăng hạng Nhất sau khi mùa giải 2010 khép lại.

Bực mình, bầu Thụy mua luôn suất hạng Nhất của Hòa Phát V&V, sau đó đưa quân về TP.HCM với tên gọi Sài Gòn.XT chơi giải hạng Nhất 2011, giành ngôi vô địch kèm theo chiếc vé thăng hạng V.League 2012.

Phi vụ “phá giá” kinh hoàng nhất của bầu Thụy là lấy trung vệ Phước Tứ từ Thanh Hóa về Sài Gòn.XT với giá… 12 tỷ đồng. Ngay mùa giải đầu tiên dự V.League, bầu Thụy đã suýt vô địch nếu không bị “anh em” Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng theo kèm quá rát. Niềm an ủi duy nhất của ông bầu này là danh hiệu vô địch Cúp quốc gia.

Tại Hội nghị chuẩn bị mùa giải 2013 hồi đầu tháng 11.2012, bầu Thụy tuyển bố nếu VFF không giải quyết dứt điểm chuyện “1 ông chủ-2 đội bóng” thì sẽ… không xong với ông. Tiếc là cuối cùng bầu Thụy đã không đủ “kiên nhẫn” chờ câu trả lời từ VFF

Ông bầu này đã chính thức tuyên bố bỏ bóng đá cách đây hơn 1 tuần.  Lúc này, Sài Gòn.XT mới chỉ có vỏn vẹn 25 tỷ đồng từ nhà tài trợ Công ty Xi Măng Xuân Thành. Đội bóng đang giao bán hàng loạt ngôi sao, trong đó có bộ đôi trung vệ Minh Đức-Phước Tứ để có đủ tiền nuôi “phần còn lại”, nhưng thời buổi khó khăn như hiện nay, chưa có đội nào ngỏ ý mua!

4. Bầu Trường

Trong khoảng 5 năm có mặt trong làng bóng đá Việt (2007-2012), ông Hoàng Mạnh Trường, cựu Chủ tịch CLB bóng đá V.Ninh Bình nổi tiếng là người làm bóng đá thất thường, tùy hứng. Đi từ hạng Nhất (mua suất của Sơn ĐT.LA chơi giải hạng Nhất 2007) lên V.League, V.Ninh Bình nổi tiếng là “cối xay HLV và cầu thủ”.

Hầu hết những ai tới với đội bóng cố đô Hoa Lư đều nhận được những khoản lót tay hậu hĩnh (điển hình nhất là V.Ninh Bình đã chi khoảng 16 tỷ đồng để có bộ đôi Việt Thắng (ĐT.LA), Như Thành (Bình Dương) chơi ở V.League 2010) nhưng cũng đồng thời phải xác định, chấp nhận một tương lai bất ổn.

Vung tiền tùy hứng là thế, nhưng khi cần đổ lỗi, bầu Trường tuyên bố thẳng: “anh Đại (ông Trần Tiến Đại-Giám đốc điều hành Sài Gòn.XT và từng gắn bó với bầu Trường trong những năm đầu ông làm bóng đá-PV) phá hoại bóng đá Việt”. Như thể, ông không hề có lỗi!

Trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải 2013, các cầu thủ V.Ninh Bình không còn chịu được tính khí thất thường của bầu Trường nữa và họ đình công đòi lương. Bầu Trường nói “cầu thủ vô ơn”, rồi tiện đà rời luôn chiếc ghế Chủ tịch CLB. Giờ thì các cầu thủ đội này đang phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, lương bị cắt giảm tới 50% mà vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

img
Việc bầu Tiến Anh bất ngờ chuyển giao K.Khánh Hòa cho V.Hải Phòng khiến người hâm mộ phố biển bàng hoàng. Ảnh: Minh Hoàng

5. Bầu Tiến Anh

Trong giai đoạn VPF mới ra đời, so với các “đồng đội” của mình, ông Lê Tiến Anh-cựu Chủ tịch CLB bóng đá K.Khánh Hòa, Trưởng ban kiểm soát VPF, là người kín tiếng nhất. Không nói thì thôi, bầu Tiến Anh nói câu nào là… đi vào lòng người câu đó.

Tháng 9.2011, tại Hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho BĐVN”, bầu Tiến Anh tổng kết “bóng đá Việt mắc lỗi hệ thống nên nếu chỉ chăm chăm vào cái sai của từng bộ phận thì không ổn”! Ông Tiến Anh chỉ trích kiểu làm bóng đá ăn xổi: “có doanh nghiệp trúng dự án 100 tỷ đồng, thích làm bóng đá, được 2 năm thì thôi, gây lãng phí…”

Thực tế, tại Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013, bầu Tiến Anh vẫn còn hăng hái đóng góp nhiều ý kiến đầy tâm huyết liên quan tới chuyện chốt hạn đăng ký dự giải, chuyển nhượng cầu thủ trẻ, tình trạng "1 ông chủ-2 đội bóng"… Ai cũng đinh ninh K.Khánh Hòa sẽ tập trung lực lượng chơi tốt ở V.League 2013.

Vậy mà “sấm nổ trời quang”, K.Khánh Hòa chuyển giao cho V.Hải Phòng khiến tất cả ngỡ ngàng, còn cầu thủ thì đau đớn. Giờ thì trên chục thành viên của đội bóng phố Biển phải "di cư" ra đất Cảng với tương lai là một dấu hỏi lớn.