Thoi thóp
Sông Vàm Cỏ Đông dài hơn 200km, bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Campuchia, chảy qua tỉnh Tây Ninh, rồi Long An, kết thúc tại sông Soài Rạp, cách biển Đông hơn 10km. Vàm Cỏ Đông là dòng sông duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có màu nước xanh trong, hai bên bờ "xanh xanh triền lá", khung cảnh nên thơ, hữu tình.
Nơi tiếp giáp hai tỉnh Long An và Tây Ninh, cuối nguồn, một bên sông là huyện Tân Trụ, bên kia là Cần Đước, nhiều ruộng tôm trơ trong nắng, nghe đâu vì ô nhiễm, dịch bệnh mà nhiều hộ nuôi bị lỗ phải "phơi ao". Hai bên bờ dần xuất hiện nhiều nhà máy, càng lúc càng dày đặc, ống khói nghịt trời, cống xả nước đen kịt ra sông.
Tại thị trấn Bến Lức, hai bờ sông càng nhếch nhác, nước sông đen hơn, thoảng mùi hôi. Qua huyện Bến Lức, rồi Đức Hòa, Đức Huệ, hàng loạt các khu, cụm công nghiệp khác nối tiếp nhau choán hết bờ sông. Khúc sông đầu nguồn này, một thời nhộn nhịp nghề nuôi cá bè, đánh bắt trên sông, giờ vắng hoe.
Nhiều hộ dân tỉnh Tây Ninh trồng khoai mì (sắn) chế biến thành tinh bột. Công nghệ sản xuất lạc hậu đang làm cho sông Vàm ô nhiễm ngay tại đầu nguồn. Các con suối đầu nguồn góp nước cho sông Vàm như suối Bà Sự, suối Cạn, suối Tre..., giờ hầu hết đã bị ô nhiễm. Long An tự hào là địa phương phát triển công nghiệp nhanh nhất đồng bằng sông Cửu Long với 64 khu, cụm công nghiệp đã và sẽ đi vào hoạt động.
Phần lớn đều nằm bên bờ hoặc gián tiếp xả nước thải xuống sông Vàm. Khi các khu công nghiệp ven sông đồng loạt đi vào hoạt động, đến năm 2015, lượng nước thải công nghiệp đổ xuống sông sẽ tăng khoảng gấp đôi so với hiện nay.
Dòng sông - đời người
Ông Nguyễn Văn Lá ngụ ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa "dở khóc, dở cười" với bè cá lóc bông sau nhà. Ông thả nuôi 1.500 con, sau 4 tháng bị chết khoảng 1.000 con, số còn lại tạm thời bỏ đói vì càng cho ăn, cá càng chết...
Ông Huỳnh Văn Ri cũng ở ấp Lộc Chánh sinh ra và sống bên dòng sông luôn "dập dềnh tôm cá" với nghề "đóng đáy" và nuôi cá bè trên sông. Một ngày đầu năm 2003, hàng chục ngàn cá điêu hồng trong 8 bè cá của ông Ri đột ngột chết. Các con ông mướn tàu kéo các bè cá về thượng nguồn, đoạn thuộc tỉnh Tây Ninh, tiếp tục nuôi.
Nhưng chỉ vài năm, nước thượng nguồn cũng ô nhiễm nặng, cá lại chết, lần này không ai đền, gia đình ông trắng tay. Ông Ri bán hết các bè cá, các con ông rời bỏ dòng sông đi tìm nghề khác mưu sinh. Chỉ còn ông nấn ná bên dòng sông với nghề "đóng đáy" như một nhu cầu tình cảm hơn là kế sinh nhai.
Lần này trở lại thăm không còn thấy miệng "đáy" quen thuộc. Vào nhà mới biết ông mới mất năm rồi, thọ 73 tuổi. Bà Tây vợ ông kể: "Trước khi mất, ổng còn khỏe lắm, ngày hai lượt đi "đóng đáy" bình thường. Nhưng sau khi nghỉ "đóng đáy" có vài tháng là ổng bệnh nặng và qua đời...".
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ - con dâu của ông cho biết, "đóng đáy" nhiều khi cả ngày chỉ được một bụm cá lòng tong, nên anh em trong gia đình khuyên cha nghỉ, có lẽ vì vậy mà ông buồn vì nhớ sông, rồi lâm bệnh...
Đốt cho ông nén nhang, tôi bước ra bờ sông sau nhà, nơi ngày trước hàng chục bè cá neo đậu, làm nên cảnh sung túc cho gia đình ông và nhiều bà con ấp Lộc Chánh. Bây giờ vẫn khúc sông đó, nhưng khung cảnh buồn thiu, vắng tanh, nhìn khắp mặt sông rộng mênh mông mà không thấy dấu hiệu nào của sự sống, dù chỉ một bóng chim, tăm cá...
Phấn Đấu