Ống thoát nước ra sông Nhuệ. Ảnh: Xuân Trường |
Nếu trở lại sau 10-15 năm xa quê hương, dẫu khó tính đến mấy chắc không ít người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay phải nói là vượt bậc! Có quá nhiều khu phố lụp xụp, vùng ven đô thị tù mù và cả những khu vườn, thửa ruộng ngoại thành ao tù, nước đọng của ngày xưa đã trở thành những khu đô thị khang trang, trong đó có không ít khu đạt các tiêu chuẩn căn hộ quốc tế.
Không chỉ TP.HCM, Hà Nội mà Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng đã có những khu biệt thự được thiết kế và xây dựng đẹp, đồng bộ, hiện đại không hề thua Singapore. Các nhà máy, khu công nghiệp không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, miền xuôi, mà rất nhiều quận huyện vùng cao cũng đã có những công trình mới.
Đó là thực tế, là thước đo để nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế liên tiếp nhiều năm qua, đã có những nhìn nhận, đánh giá tích cực về mức ổn định và nhịp độ phát triển đều đặn mà nền kinh tế của chúng ta đạt được.
Rất mừng và sẽ không có gì để lo nghĩ nếu cùng với những thành tựu ấy đã không xuất hiện những mối đe dọa về thảm họa môi trường. Không ít khu đô thị vừa sử dụng đã lâm vào cảnh ngập nước chỉ sau một cơn mưa nặng hạt.
Có chỗ, có nơi trong lượng nước mưa "không biết chảy đi đâu" ấy có cả nước thải từ các khu công nghiệp gần đó. Tồi tệ hơn, vẫn là cùng một lúc rất nhiều dòng sông đã phải hứng chịu cả nước thải đô thị lẫn nước thải công nghiệp. Chắc phải mất nhiều năm nữa, hậu quả từ cái chết của sông Thị Vải mới hết là vấn đề thời sự đau xé lòng.
Nhưng Đồng Nai không chỉ có sông Thị Vải cũng như TP.HCM không chỉ có Tham Lương, Ba Bò, Nhiêu Lộc... - những dòng kênh mà dẫu phải mất hàng nghìn tỷ đồng vẫn không dễ cứu sống trong vòng 5-7 năm. Và tất nhiên thực tế như thế không chỉ ở 2 tỉnh, thành này.
Theo kết quả từ một cuộc điều tra không chính thức thì có quá nhiều khu công nghiệp trong Nam ngoài Bắc không có, hoặc "có chỉ để cho có" hệ thống xử lý nước thải. Bất ngờ đến toát mồ hôi là, tại tất cả các bản luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp phép đều không thiếu các hạng mục cực kỳ quan trọng này.
Sông Nhuệ đoạn qua Tả Thanh Oai. Ảnh: Xuân Trường |
Nhưng những dòng sông không chỉ bị "chết" bởi nước thải không qua xử lý, mà còn phải "chết" bởi hệ thống các nhà máy thủy điện xây "chồng" lên nhau. Trên thượng nguồn sông Đồng Nai có 20 dự án đã và đang được thực hiện, còn trên "nóc nhà" của tỉnh Quảng Nam có tới 57 công trình đã được duyệt, trong đó có một số nhà máy đã đi vào hoạt động.
Mùa khô, chừng ấy hồ chứa đua nhau tích nước làm cho hạ lưu cạn kiệt, gây nên thảm họa xâm nhập mặn. Mùa mưa, chừng ấy nhà máy lạnh lùng mở cửa đập để bảo vệ hồ, gây nên thảm họa lũ quét khủng khiếp.
Đừng vội đổ lỗi cho tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa, cũng đừng trút hết cho khí hậu của trái đất đã nóng dần lên, mà rất nên trung thực nhìn lại, xem chúng ta đã thật lòng đối xử tử tế với các dòng sông, con rạch hay chưa.
Nếu biết nói, chắc các dòng sông, con suối sẽ phát đi lời tha thiết: "Hãy thật lòng thương chúng tôi, để chúng tôi còn có dịp tiếp tục thương người, người ơi!".
Ba Thợ Tiện