Dân Việt

Hai khúc hát sông quê bất hủ

04/02/2011 06:59 GMT+7
(Dân Việt) - “Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến miền quan họ lần nào mà lại nhận vơ "Làng quan họ quê tôi"? Vâng, đúng vậy...”, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự.

LTS: "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê" - Hai bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nằm trong danh sách 20 ca khúc hay nhất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhân ngày xuân, ông gửi tới bạn đọc NTNN những tâm sự về hai ca khúc này .

Hôm ấy tôi đến làm việc với Nhà xuất bản Tác phẩm mới và tình cờ gặp lại nhà thơ Nguyễn Phan Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm qua tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài "Nụ cười Việt Nam", phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Để cho chắc hơn, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: "Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé!".

 img
Bản thảo đầu tiên bài hát "Làng quan họ quê tôi".

Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh nhưng cũng vui vẻ: "Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ". Chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo.

Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ (Hà Nội) nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn.

Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ. Được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang say sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình.

Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe "Làng quan họ quê tôi". Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: "Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ!". Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9-1987.

Trường hợp tôi viết bài hát "Khúc hát sông quê" cũng là một bất ngờ.

Năm 2002 Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trại sáng tác hợp xướng ở Vũng Tàu, tôi tham gia trại và dồn thời gian viết hợp xướng "Hạt bụi". Trong khi đang bí thì ông bạn thơ Lê Huy Mậu rủ đi nhậu. Nhậu khuya lắm mới về. Trước khi ra về, Lê Huy Mậu đưa tôi mấy bài thơ nhờ xem và đưa in báo Văn Nghệ cho anh.

 img
 Thiếu nữ quan họ. Ảnh: Hoàng Thi

Tôi về phòng đóng cửa ngủ vùi. Sáng dậy chạy ra biển tắm cho "giã rượu". Khi trở về, tôi thấy trên bàn những bài thơ của Mậu. Chợt nhớ là phải đọc xem sao. Tôi ngồi vào bàn đọc, và khi đọc đến bài thơ dài "Khúc hát sông quê" thì lặng người xúc động. Thì ra quê Mậu cũng giống quê tôi. Cũng con sông đôi bờ phù sa. Cũng những kiếp người lam lũ. Cũng lòng yêu thương và nhân hậu:

quê hương ta nghèo lắm

ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn

ta mổ lợn

con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt

cá dưới sông cũng có Tết như người

Những câu thơ khiến tôi ứa nước mắt.

Tôi đọc lại bài thơ và chính những câu thơ đầu tiên đã ngân lên âm nhạc. Quá nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê. Rồi tôi đọc lần thứ ba, chọn lọc và viết lại một số câu thơ của anh cho hợp với sự phát triển của âm nhạc.

img “Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến miền quan họ lần nào mà lại nhận vơ "Làng quan họ quê tôi"? Vâng, đúng vậy, tôi đã coi Làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân lên đất Bắc Ninh”. img

Lần này thì toàn bộ bài hát đã ngân lên trong tôi. Tôi lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc đã lưu vào bộ nhớ trong đầu tôi. Trong bản thảo đầu tiên của bài hát này được ghi "Vũng Tàu, ngày 2-9-2002". Lúc ấy mới gần 8 giờ sáng.

Tôi vui mừng gọi điện thông báo cho Lê Huy Mậu và bảo anh đến nghe rồi cùng đi ăn sáng. Mậu đến, ngồi trên chiếc giường trải drap trắng phẳng lì. Tôi pha ấm trà nóng rồi hát cho Mậu nghe. Mậu nghe chăm chú, đến câu kết thúc thì bất ngờ anh nằm ngã ngửa trên giường, hai tay giang ra như một cây thánh giá.

Tôi nhìn mặt anh như sưng lên với tình cảm khó tả. Tôi hỏi: "Sao ông lại nằm đuỗn ra thế? Phổ vậy được không?". Chợt anh ngồi vùng dậy, và nói một câu khá bất ngờ với tôi: "Anh làm tôi nổi tiếng đến nơi rồi! Bài hát này tôi tin là mọi người sẽ hát...".

Hầu như suất 8 năm qua, ngày nào bài hát này cũng được hát. Tôi đến châu Âu, châu Mỹ vẫn được nghe "Khúc hát sông quê" với thật nhiều thiện cảm.

Hà Nội 12-2010