Dân Việt

Nụ cười và nước mắt trên dòng Mekong

02/02/2011 07:00 GMT+7
(Dân Việt) - Mekong trong tôi đầy ắp nụ cười, nhưng vẫn không tránh khỏi mảng tối là nước mắt và những cuộc tranh cãi bất tận.

Dòng sông vừa đỏ rực đã thoắt xanh trong, nuôi dưỡng sự sống cho hơn 5 triệu cư dân của 6 nước nơi nó chảy qua.

Sông Mekong trên đất Thái có màu đỏ như nước sông Hồng, nhưng về tới Campuchia và Việt Nam, sông đổi màu xanh trong. Đoạn sông giữa cửa khẩu hai nước rộng mênh mông màu xanh vời vợi, xa xa là những tàu chở hàng đang chờ thông quan. Đây cũng là con đường du lịch đang được cả hai phía Việt Nam và Campuchia khai thác.

img
Du khách đi tàu cao tốc ngược sông Mekong vào Biển Hồ. Ảnh: Lê Huyền

Du khách từ Việt Nam sang thường đi một lèo qua Phnôm Pênh và lên Xiêm Riệp. Ở bến tàu chính từ Thủ đô Phnôm Pênh, tôi thường gặp cảnh "mua - bán" khách du lịch khá thú vị: Hướng dẫn viên kiêm bán vé tàu tại bến "thông lưng" với chủ khách sạn ở Xiêm Riệp để dắt mối khách tới đó nghỉ. Thế là tại bến Xiêm Riệp thường có cảnh chủ khách sạn thuê xe tuk tuk (một loại xe xích lô gắn máy) cầm biển tên ra tận tàu đón khách, rất nhộn nhịp.

Nhưng khác với phía Thái, du lịch chỉ là một phần trong đời sống cư dân ven sông Mekong. Mọi kế sinh nhai của người dân vẫn trông vào nguồn lợi thuỷ sản từ sông. Vì vậy mà lũ ở sông Mekong trở nên vô cùng quan trọng.

Lũ lên, đưa các loại cá sông vào các cánh đồng màu mỡ để sinh sôi nảy nở. Lũ rút, cá con một phần ở lại các sông, hồ nhỏ, một phần rút ra sông mẹ Mekong để tạo thành vòng quay muôn đời của sự sinh tồn. Nhưng, những mùa lũ nặng cá, tôm ấy đang dần ít đi.

Tôi đã từng đi, từng chứng kiến cảnh khai thác cá tận diệt bằng cách đánh điện, đánh lưới cào tất cả các loại cá to, cá bé trên đồng và giăng lưới dớn cuối mùa lũ trước khi cá rút ra sông mẹ. Tôi cũng từng chứng kiến nước mắt những ngư dân nghèo quay quắt với những mùa lũ vơi dần cá, tôm.

Như anh Nguyễn Văn Nưng - ngư dân nghèo vùng Đồng Tháp Mười (ở Tân Hưng, Long An) phải tha hương theo con nước kiếm sống. Nhưng nụ cười phiêu lãng của anh dần thay bằng nét mặt đăm chiêu khi cả gia đình cặm cụi cả ngày không kiếm nổi 10kg cá. Lúa gạo đi vay, tiền dầu máy đi mượn, cuộc sống của cả gia đình anh bấp bênh theo con nước.

img
Gia đình đông đúc tới hơn 10 người của anh Nguyễn Văn Nưng phiêu bạt theo mùa lũ của sông Mekong. Ảnh: Lê Huyền

Tôi đã gặp Anders Poulsen - nguyên Cố vấn cao cấp về Đánh bắt thuỷ sản Việt Nam (thuộc Hợp phần tăng cường quản lý khai thác thuỷ sản - SCAFI), ông khẳng định nguồn lợi thuỷ sản ở Mekong đang cạn kiệt, một phần do khai thác tận diệt, và phần khác là do thuỷ điện.

Năm 2010, người dân đồng bằng sông Cửu Long không còn thấy lũ về. Chị Lan Anh - một nhà báo kỳ cựu chuyên viết các vấn đề về sông Mekong cho rằng, hạn hán là một lý do, lý do khác nữa đã được chứng minh là việc xây dựng quá nhiều con đập từ thượng nguồn đến hạ nguồn của dòng sông góp một phần lớn vào tình trạng này.

Theo International Rivers - một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu bảo vệ các con sông, chỉ riêng phần thượng nguồn của sông Mekong ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện lớn. Tại Lào, có khoảng 30 dự án đập thủy điện ở các con sông nhánh và 4 dự án đập ở sông chính. Thái Lan có khoảng 15 dự án đập thủy điện và Campuchia cũng đang tính chuyện xây đập.

Ngay tại Việt Nam, nhiều dự án thủy điện được xây dựng trên những sông nhánh của dòng Mekong, như Sê San, Ia Ly... Nhưng tới giờ, cuộc tranh cãi bất tận về thuỷ điện vẫn chưa ngã ngũ. Và vì vậy, sẽ còn những mùa lũ buồn, những mùa lũ không tôm, cá và những mùa không lũ trên dòng Mekong. Con sông có thể sẽ chết vì không còn nhịp thở muôn đời của mình.