Dân Việt

Sông mịt mùng sương (Phần 1)

03/02/2011 09:11 GMT+7
(Dân Việt) - Vào tiết xuân quê nhà hầu như suốt ngày chìm trong sương giá, chỉ ngang trưa mới hửng được chốc lát rồi đâu lại vào đấy, tất cả đều như thực như mơ.
img
 

Cảnh vật đang quen thuộc bỗng thành lạ lẫm, lúc ẩn lúc hiện trong màn khói nhạt nhòa... Sớm ra sương đục trắng và nặng, sang chiều nhẹ dâng bảng lảng tưởng đang từ đất tỏa lên. Trâu bò gõ móng đâu đây, con bé nhà ai mà tiếng nghe quen quá! Vừa chạy ra đường một lát về nhà vai áo đã ẩm, tóc tai ướt át, chân tay cóng lạnh. Sườn đê mạng nhện giăng trên cỏ lấm tấm những hạt nước long lanh.

Bà già dò dẫm tìm đường xuống bến sông tay vịn vai đứa cháu chừng mười tuổi tóc đang để đuôi gà. Đi vài bước bà cháu lại dừng chân nghỉ rồi bà một mình thở than. Trời đất sắp chạm nhau mất rồi, ban ngày ban mặt mà sao tối om om, như là lạc vào cõi ma ấy nhỉ, hay là bà cháu tôi cũng đang làm ma qua sông ăn cỗ.

Ông già ở phía sau bắt chuyện tức thì. Bà nói thế nào, sao lại là cõi ma, nó là cõi mộng mới phải. Từ lúc mở trời mở đất vùng ta đã thế này rồi, cứ ra Tết là mịt mùng, cộc vỡ đầu vẫn chưa nhận ra nhau. Nhớ thuở lũ con trai chúng tôi bám váy các bà trẩy hội đền Kiếp Bạc, các bà ai cũng mau mắn duyên dáng lạ thường.

Khăn vuông mỏ quạ, áo tứ thân mớ năm mớ bảy, váy sồi xột xoạt, yếm trắng yếm điều, những cái miệng cười nom khôn ngoan quá thể, chuyện nỏ như chào mào ăn khế. Tôi cứ muốn những ngày ấy còn mãi. Mỗi lần xuống hầu Đền là phải mất vài ba ngày đi về, ăn ngủ vạ vật dọc đường, nằm trong thuyền gối đầu lên đùi nhau, biết làm sao, gặp cảnh đò giang chật chội anh có vô tình đặt tay vào vú chị thì chị cũng tảng lờ làm ngơ cho chứ nỡ nào ầm ĩ.

Bà già buông tay khỏi vai cháu, thở dài một hơi rồi rên lên nuối tiếc, ông cứ kể mãi những chuyện cổ tích ấy mà làm gì. Chuyện ngày ấy là chuyện trên tiên giới, chuyện hôm nay mới là chuyện dưới trần gian. Trần gian cay đắng lắm, lúc trẻ vui bao nhiêu thì về già buồn bấy nhiêu. Sống thêm một ngày là nhục một ngày chứ béo bở gì.

Không biết học đâu mà lũ con cháu tôi chúng nó thường hỏi, thời con gái bà khổ lắm phải không bà. Tôi ngồi ngẫm một lúc rồi nói, thời trẻ của bọn tao tuy vất vả nhưng cũng có nhiều cái vui, còn bây giờ tuy đầy đủ hơn nhưng buồn lắm, thì kiếp người nó thế, cũng chả còn hiểu làm sao. Tôi qua sông về làng thăm họ hàng ít ngày cho khuây khỏa ông ạ.

Thuở ấy những chiếc thuyền đinh không căng buồm, chỉ tựa vào những cơn gió bấc mà lừ lừ ngược lên, sóng vỗ óc ách hai bên mạn. Đấy là những thuyền cỏ lấy từ vùng núi Vàng Danh lên bán cho mấy làng gốm. Hàng nghìn năm các lò nghề đã quen dùng cỏ khô thổi gốm chứ chưa biết dùng than dùng củi. Những chum vại nồi niêu chậu liễn cái lọ cái vò đủ dáng đủ cỡ, hết thảy đều từ lửa cỏ Vàng Danh đất thó mà ra.

Cỏ gianh chất đống cao lừng lững trôi nổi trên sông, những con thuyền bám nhau mà tiến. Đám đàn ông chống xào phanh áo để lộ cái ngực cái cổ trâu mộng, đám đàn bà ru hời con trong khoang bằng cái giọng khê khê rầu rầu, họ là dân sông nước mặn mòi, quen ăn to nói lớn mà chân thật. Có câu hát, "Thuyền anh lên đón em về, Vàng Danh là đất cận kề biển Đông".

Giêng Hai cũng còn là mùa loài cá cháy gọi nhau vào kỳ sinh sản. Từ dưới những vùng nước lợ từng đàn bám nhau ngược lên phía thượng nguồn. Con cái bơi trước đẻ trứng, con đực theo sau tưới trứng. Cá con mới nở từng đàn theo cha mẹ xuôi dòng về sống dưới vùng nước lợ.

Trên đoạn sông thượng nguồn, dân hai bên bờ bảo nhau mang tre mang gỗ ra cắm cọc đặt đăng đón bắt cá nấng ở những chỗ nước chảy xiết. Gặp thác ào ào đàn cá tung mình lên cao trong hạnh phúc tột cùng rồi rơi xuống nằm phơi mình trong những cái bẫy rất thô sơ. Thịt cá cháy thơm béo, trứng của chúng lại càng quý.

Dân quê mổ bụng cá lấy ra từng bát trứng mang đổ thành khuôn tròn bán ngoài chợ. Các nhà có dâu con sắp ở cữ, mẹ chồng thường ra chợ kiếm mươi bánh trứng cá cháy về cất kín trong hũ sành, đợi ngày mẹ tròn con vuông mới đem trứng cá ra rim với nước mắm cất từ thuyền buôn Cát Hải. Gái đẻ có trứng cá cháy ăn với cơm tám xoan được hiểu là người may mắn cư vào nhà khá giả, có hơi trứng cá cháy người nom phổng phao lại lắm sữa.

Mùa sinh sản của đàn cá cháy diễn ra suốt mùa xuân, còn được gọi là mùa cháy lên ngàn hoặc mùa cá nấng. Đó là một chu kỳ khép kín bền vững trên dòng sông này đã cả triệu triệu năm, từ đời nào chả rõ nhưng chắc chắn là nó có từ lúc ở đây còn hoang vu chưa có con người. Một vẻ đẹp phồn thực tưởng sẽ là bất tận của miền đất này, ấy vậy mà không phải.

Đến một ngày dân hai bờ phía thượng nguồn tịnh không còn thấy bóng con cháy nào ngược lên nữa, mùa cá nấng đã không còn, mùa cháy lên ngàn bỗng hóa thành dĩ vãng. Chúng dắt nhau biến đi từ lúc nào không rõ. Chỉ thấy làng mạc dọc hai triền sông cứ tiêu điều dần và dòng sông lâm vào cơ cảnh buồn bã như một người câm điếc đứng trước mọi nỗi phong trần.

Con người và dòng sông muôn đời có chung số phận. Kiếp người và kiếp sông song hành, lên cùng lên xuống cùng xuống. Sông có đẹp thì người mới đẹp, một khi sông bị làm bẩn thì người cũng đâm nhếch nhác. Một khi người đã chả thành người thì sông cũng chẳng thể giữ nổi phong độ của nó nữa. Đã thấy có nhiều dòng sông chết.

>> Xem tiếp phần 2 tại đây

Lời bình của Phạm Xuân Nguyên

Mịt mùng sương của dòng sông ngỡ như đưa người đọc lạc vào cổ tích. Lạc vào một thời trai gái còn níu kéo nhau vào hội. Lạc vào một thuở còn những mùa cá cháy ngược lên thượng nguồn sinh sản. Cả một đoạn đầu truyện phả một làn sương lãng đãng của huyền tích, của hoài niệm văn hóa, ngỡ như đang đọc một thiên tùy bút về con sông quê mang chở phù sa của bãi bồi tâm linh và lịch sử.

Thoắt cái, truyện mở ra, một câu truyện về những người dân quê bên sông phá giặc giữ làng giữ nước. Mà chuyện tày trời là người dân tay không bắt tên đồn trưởng da trắng được kể nhẹ như không, vẫn lồng trong khói sóng huyền tích, như ông Bộ ộp tung lưới câu, thực thực hư hư. Thì đó là cội nguồn của sông, cũng là nguồn cội của văn hóa một xứ sở, một dân tộc. Sông ấy là bởi người ấy.

Người ấy là do sông ấy. "Con người và dòng sông muôn đời có chung số phận. Kiếp người và kiếp sông song hành, lên cùng lên xuống cùng xuống. Sông có đẹp thì người mới đẹp, một khi sông bị làm bẩn thì người cũng đâm nhếch nhác. Một khi người đã chả thành người thì sông cũng chẳng thể giữ nổi phong độ của nó nữa.

Đã thấy có nhiều dòng sông chết." May còn hiện hình bóng dáng của người xưa, của người đã khuất, bên sông hôm nay, để người nay biết nghe sông kể chuyện đời, dẫu mịt mùng sương thì vẫn là có thật, những câu chuyện mà nếu quên đi thì sương tan mất, còn gì. Đỗ Chu càng có tuổi viết càng sương khói. Đọc mỗi truyện của ông người đọc đi vào màn sương ấy để lạ thay thấy rõ nẻo về, nẻo đến của những giá trị văn hóa, tinh thần của một thời, của muôn thời, những giá trị làm nên sức sống của đất nước, làng quê, lung linh, huyền ảo. (Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên).