Minh họa: Nguyễn Khánh Toàn |
Vậy mà làng Kon Braih Yu cách huyện lỵ Kon Rẫy chỉ vài cây số đúng là một làng Ba Na Alakông không thể nhầm, nghe giọng nói nhận ra được ngay. Người Ba Na Alakông chỉ có thể tìm thấy ở mạn An Khê nay thuộc tỉnh Gia Lai, cách nơi này ngót trăm cây số và những dãy núi cao ngất.
Bỏ xe lại ở gần huyện vì trời mưa đường lầy, qua một cầu treo nhỏ đong đưa, thì đến nhà rông của làng, gặp già làng Bok Deh, và thắc mắc liền được giải tỏa. Các già làng là lịch sử sống của làng. Bok Deh kể: Đây là chuyện tôi được nghe cha của cha tôi truyền lại, còn cha của cha tôi thì được nghe từ cha của cha ông. Thời ấy còn chiến tranh bộ lạc, liên miên, đúng ra thì không phải chiến tranh bộ lạc, không phải các bộ lạc đánh nhau đâu, mà các làng đánh nhau, để bắt tù binh bán sang Lào, sang Xiêm làm nô lệ.
Làng nào yếu thì thua, hoặc bị sáp nhập vào làng kia hoặc bỏ chạy. Làng này đã chạy từ An Khê lên đây, tương truyền do một người đàn bà tên là Ya Braih dẫn đầu, đến trốn trong một thung lũng ngày ấy còn rất kín đáo tên là Đak Yu. Làng mang tên Kon Braih Yu từ đó. Kon có nghĩa là người, Braih là tên người đàn bà thủ lĩnh nọ, Đak có nghĩa là nước, là con suối. Con suối các anh chị vừa qua cầu treo chính là suối nước Yu...
Vậy đó, Tây Nguyên, dường như chỉ cần ngồi nhích qua một chút, thay đổi góc nhìn vài độ, lập tức có thể bất ngờ rơi ngược vào một quá khứ hằng mấy trăm năm, huyền ảo mà hiển hiện đâu đó sau đôi mắt chưa mờ của vị già làng đang ngồi trước mặt ta kia. Đúng ra già làng Bok Deh cũng chưa thật già lắm đâu, chưa có chút vẻ gì là người của một thời đã qua ít nhiều huyền thoại ở Tây Nguyên vốn là cái chất còn rất gần.
Hỏi kỹ thì đúng vậy: Ông từng là cán bộ xã rồi huyện, thậm chí đã đi bộ đội đánh nhau ở Cămpuchia, về hưu thì làm già làng. Tôi hỏi ông: Làng mình ở đây là làng mới phải không? Dời ra đây từ bao giờ? Ông hỏi lại: Sao anh biết? Rồi ông cười: Thôi, không cần hỏi nữa, anh đã nhận ra ngay chúng tôi là người Ba Na Alakông tức anh sống trên này đã lâu lắm. Anh tinh đấy! Đây đúng là làng mới...
Thật ra không khó phân biệt một làng mới bị dời và được lập lại, gọi là tái định cư: Có một sự ngăn nắp chỉn chu mà giả tạo thế nào đó khiến một cái làng Tây Nguyên mới không còn thật là làng Tây Nguyên. Tôi bỗng nhớ một chương rất hay trong một tác phẩm viết về các bộ lạc Nam Mỹ của Claude Lévi-Strauss. Làng của người Nambikwara bao giờ cũng được bố trí theo hình vòng tròn, có một đường kính vô hình chia làng làm đôi, không nhìn thấy nhưng lại hết sức hiển hiện đối với người bản địa.
Trai gái ở nửa làng bên này chỉ được lấy vợ lấy chồng thuộc nửa làng bên kia... Các nhà truyền giáo châu Âu đến, chỉ cần làm mỗi một việc: Họ xây những làng mới tái định cư cho người Nambikwara, không còn theo hình vòng tròn nữa mà thành hai hàng song song. Lập tức văn hóa Nambikwara bị phá vỡ tan tành, và rồi dân tộc Nambikwara chẳng bao lâu cũng biến mất luôn... Tôi cứ ước gì những người đang làm công tác tái định cư ở Tây Nguyên - và cả ở những nơi khác nữa - chịu khó đọc Lévi-Strauss đôi chút, cuốn sách ấy của ông đã được dịch và in ở Việt Nam rồi, nó tên là "Nhiệt đới buồn". Sẽ có thể hiểu vì sao Strauss bảo: Nhiệt đới là buồn! Việt Nam mình, Tây Nguyên mình cũng nhiệt đới mà...
Tôi hỏi Bok Deh: Bây giờ mình muốn đi vô thăm lại chỗ làng cũ được không? Ông già phân vân một chút, nhìn sâu vào mắt tôi, rồi bảo: Cũng được chớ. Mà cũng chẳng còn gì trong đó đâu, chỉ có mấy cái chòi rẫy của bà con... Nhưng anh còn leo dốc được không? Trời mưa, đường dốc trơn, nhiều vắt đấy... Vào đấy thì thấy gì mà vào cho nhọc. Ở ngoài này hay hơn chứ, ngoài này chúng tôi đang chuẩn bị trồng cao su, đã quy hoạch cả rồi. Cả vùng này sẽ tràn cao su. - Mình muốn vào thăm bà con thôi mà, mình có biết Bok Tơ, gặp lâu rồi, Bok Tơ bây giờ vẫn ở trong ấy phải không? Mình đi thăm được chớ? - Được thôi, tùy anh, giọng Bok Dek chợt hơi trầm xuống...
Quả đường khá dốc, lắm đoạn trèo đến bở hơi tai, lại lầy lội, mưa lớn nên một con suối nhỏ cũng đã thành lũ dữ, và vắt thì tất nhiên rồi, nhiều vô kể. Hơn 2 tiếng đồng hồ. Rừng mỗi lúc một dày hơn. Đã bớt cái cằn cỗi của núi non bị bóc trụi. Đã mát mắt, và dịu lòng nữa, đôi chút vì màu xanh đậm đà của rừng già... Tưởng chừng dốc cứ lên bất tận. Và đột ngột trong một khoảng rừng thưa hiện lên căn nhà đầu tiên, đứng một mình bên một con suối nhỏ. Chừng năm phút sau, ba căn nhà khác. Bok Deh đã không nói đúng: Không phải chòi rẫy.
Người Tây Nguyên vẫn có tục: Mùa lao động, vào làng bao giờ cũng rất vắng, chỉ gặp được đôi người già và trẻ con. Người lớn đều ở ngoài rẫy, rẫy thường xa làng nên trong suốt mùa lao động người ta sống ở đấy, trong những chiếc chòi cất tạm, để đỡ phải đi lại. Mấy ngôi nhà chúng tôi gặp lúc này đây hoàn toàn không phải là chòi rẫy.
Người có đôi chút kinh nghiệm sống ở Tây Nguyên có thể nhận ra ngay: Những ngôi nhà này nghèo nhưng rõ ràng là nhà ở trong làng, kín đáo và tươm tất. Và rải rác đây đó vẫn còn dấu vết một số cây ăn quả, đặc biệt một số bụi ớt hiểm và cà đắng rất đặc trưng của các làng Tây Nguyên. Đây chính là ngôi làng Kon Braih Yu cũ, đã bị bỏ đi để tái định cư ở làng mới ngăn nắp ngoài kia, nơi chúng tôi vừa gặp Bok Deh. Để làm gì? Bok Deh đã tiết lộ một chút rồi: Để chuyển cả vùng này sang trồng cao su. Những ngôi nhà còn sót lại giữa rừng sâu này là của những gia đình chưa hay không chịu đi. Họ còn trụ lại. Với rừng. Níu lấy rừng.
Chúng tôi vào một nhà có người. Nhà Bok Tơ. Đã xế chiều nhưng trời đột ngột dứt mưa và như thường vẫn vậy trên núi cao, chợt có nắng, nắng xế làm ửng lên vàng óng vạt rẫy hình tam giác lúa đã chín ở sườn núi bên kia. Còn ở trong nhà này thì nắng cũng vàng như sơn mài đan qua các liếp tre giúp chúng tôi nhận ra được một bếp lửa đang âm ỉ khói và trong góc nhà bốn đứa bé xúm xít vào nhau, ngơ ngác nhưng không hề sợ sệt, mở to mắt nhìn chúng tôi. Đứa lớn nhất chừng năm tuổi, đứa bé nhất chắc chưa lên một.
Tôi hiểu: Ở trên này, năm tuổi thì đã là người lớn. Bố mẹ đi vắng suốt ngày, chắc làm rẫy xa, có thể đến năm bảy cây số, chăm lo cho các em, đảm đang mọi việc trong nhà, kể cả việc đối ngoại, giữ vai trò người chủ thật sự của gia đình chính là cậu bé năm tuổi đó. Cậu chững chạc bước ra chào chúng tôi, chỉ cho chúng tôi chỗ xếp tạm đồ đạc, rồi rất thản thiên trở lại tiếp tục cuộc chơi với các em.
Chúng chơi trò oẳn tù tì, chắc là suốt từ sáng đến giờ, không chán, chốc chốc lại cười ré lên. Đứa nào mệt thì lăn ra ngủ một lúc, tỉnh dậy lại chơi, đói thì tự tìm đến bếp, đã có sẵn cơm nguội, rau, đôi chút thịt rừng ở đấy. Thỉnh thoảng cậu bé năm tuổi có việc bỏ chạy đi đâu đó một lúc, sẽ thấy ngay cậu em sát nó, chắc chỉ đến ba hay bốn tuổi, liền thay vai trò của anh, điều khiển cuộc chơi và chăm cho các em. Nó trở thành người chủ, đàng hoàng chẳng hề kém anh...
Khoảng năm giờ chiều chúng tôi chuẩn bị nấu ăn. Vừa thấy chúng tôi soạn gạo và các thức ăn mang theo sẵn, cậu bé năm tuổi lập tức đứng dậy, chạy đi lấy cái nồi lớn, mấy cái xoong nhỏ, chén bát, khệ nệ mang xuống rửa ở vòi nước đầu làng. Nặng quá, thằng bé bưng khòm cả lưng. Chúng tôi định chạy ra giúp thì nó khua tay bảo: Không, không, cháu làm được! Cứ kệ cháu!..
Nó bứt một nhúm lá của một loại cây dại mọc ngay bên vòi nước - hồi chiến tranh chúng tôi gọi đấy là "cây cộng sản", loài cây dại mọc tràn lan khắp rừng, có sức sống dai dẳng, không gì diệt được, kể cả chất độc hóa học Mỹ - Nồi chảo chén bát được đánh bằng lá "cây cộng sản" sạch bong. Không cần chút miếng mút nào như lũ người văn minh dại dột chúng ta, anh bạn tôi cười.
Rồi cậu bé năm tuổi ấy, cùng với đứa em sát nó, bốn tuổi, dẫn chúng tôi đi hái rau rừng. Đứa thứ ba, chắc chỉ hai tuổi lại thay hai anh ở nhà chăm đứa út.
Nguyên Ngọc
Xem tiếp phần II