Điều đáng nói là cả hai đều mua bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Bồi thường chưa thỏa đáng
Ngày 1-1 vừa qua, sau khi thi thể thuyền viên Nguyễn Tương- tử nạn trong vụ chìm tàu In sung 1 được đưa về quê nhà Kỳ Khang, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đại diện PTI và Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) đã tới thăm hỏi, chia buồn và trao số tiền bảo hiểm 16.000USD cho gia đình nạn nhân.
Nỗi đau của thân nhân thủy thủ Nguyễn VănSơn (xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - thuyền viên mất tích ở Nam Cực. |
Hai đơn vị này cũng trao số tiền bảo hiểm tạm ứng, bằng 100% giá trị bảo hiểm - trị giá 16.000USD (khoảng 320 triệu đồng) cho gia đình anh Nguyễn Văn Sơn - thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu In sung 1 tại xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đó, theo thông tin từ phía Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Tổng Công ty Đường sông miền Nam (SOLACEN)- đơn vị đưa Nguyễn Song Hào (thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu) đi, gia đình nạn nhân được PTI chi trả bảo hiểm là 12.000USD.
Hơn 1 tháng qua, nỗi đau mất mát người thân còn chưa nguôi ngoai, giờ gia đình Nguyễn Song Hào càng thêm rầu lòng khi hay tin tiền bảo hiểm chi trả chỉ 12.000USD. Câu chuyện 2 anh em họ Nguyễn Tương và Nguyễn Song Hào cùng đi trên chuyến tàu, cùng gặp nạn, song lại được hưởng 2 mức bảo hiểm khác nhau đã khiến người thân và làng xóm vô cùng bất bình.
Từng là thuyền viên lâu năm trên tàu đánh cá Hàn Quốc, anh Nguyễn Xuân Dung - anh trai thuyền viên Nguyễn Song Hào thấu hiểu nỗi vất vả cực nhọc của đời thủy thủ: "Chúng tôi phải làm việc gần 20 tiếng mỗi ngày. Chủ tàu chỉ cho 5 tiếng vừa nghỉ ngơi, tắm giặt, ăn uống. Vì cuộc sống mưu sinh chúng tôi phải vay mượn tiền đi lao động ở xứ người, chấp nhận làm việc ngoài biển khơi biết bao nguy hiểm, rủi ro luôn rình rập. Với những người nông dân nghèo như chúng tôi, 4.000USD là cả một gia tài lớn".
Doanh nghiệp tự thỏa thuận mức phí
Không chỉ có gia đình nạn nhân bất bình, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Công ty SOLACEN cũng khá bất ngờ trước mức bồi thường bảo hiểm của PTI. Theo hợp đồng bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên làm thuê trên tàu nước ngoài, mức phí bảo hiểm là 180USD/người/năm. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, PTI nhận bảo hiểm kết hợp con người bồi thường cho thuyền viên theo mức trách nhiệm tham gia bảo hiểm là 10.000 USD/người/vụ.
Bà Hà cho hay: "Khi thấy LOD thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng bồi thường cho nạn nhân thiệt mạng và mất tích 13.000USD. Chúng tôi có ý kiến với PTI, sau đó bên bảo hiểm đã tăng mức bảo hiểm lên 12.000 USD/người/vụ. Phí bảo hiểm như nhau, không cớ gì bên được hưởng nhiều, bên hưởng ít". Bà Hà cho rằng, sự chênh lệch bảo hiểm lên tới 4.000 USD tương đương với khoảng 80 triệu đồng là không thể chấp nhận được.
Bà Lưu Phương Lan - Giám đốc Ban bảo hiểm con người (PTI) giải thích, khi ký hợp đồng bảo hiểm, có rất nhiều yếu tố cấu thành có điều kiện, điều khoản; phí bảo hiểm... Tuy nhiên khi về các công ty thành viên, tổng công ty có phân cấp cho các đơn vị có quyền chủ động, điều chỉnh linh hoạt tương ứng với từng đối tượng khách hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Chính vì thế khi soạn hợp đồng bảo hiểm căn cứ vào các yếu tố cấu thành nên giá, tùy từng đối tượng khách hàng, PTI có thể tăng hoặc giảm giá.
"Điểm khác biệt trong hợp đồng với SOLACEN, PTI thống nhất hợp đồng trên toàn thế giới. Còn với LOD, PTI quy định từng khu vực địa lý. Nói cách khác, một bên chỉ rõ đối tượng, một bên là bán đổ đồng. Ngoài ra, quy luật trong bảo hiểm là quy luật số đông, bên LOD cũng có điều khoản với PTI, khi đạt được số lượng nhất định thì mới được hưởng mức phí này và mức trách nhiệm là 16.000USD. Do đó, trong hợp đồng LOD có nâng mức trách nhiệm, mặc dù phí là bằng nhau. Đấy là cam kết mà hiện nay PTI đang thực hiện với LOD, còn với SOLACEN không đạt được mặc dù đã đàm phán"- bà Lan giải thích.
Đại diện SOLACEN cho biết, để đảm bảo sự công bằng, công ty sẽ tiếp tục đàm phán với PTI để đưa ra mức bồi thường thỏa đáng cho người lao động. Phía PTI thì cho rằng, căn cứ vào hợp đồng đã ký, mức bồi thường không thể cao hơn 12.000USD...
Ông Vũ Minh Xuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước:Mức bảo hiểm có thể lên tới 80.000USD
Với trường hợp lao động tử nạn và mất tích ở Nam Cực, có thể do chủ tàu và doanh nghiệp đưa lao động đi thỏa thuận mua bảo hiểm ở Việt Nam nên mức bảo hiểm không cao. Nếu đi theo chương trình EPS (chương trình đưa lao động nước ngoài đi làm việc tại Hàn Quốc) lao động sẽ được hưởng mức bảo hiểm do công ty bảo hiểm Hàn Quốc chi trả nên trong trường hợp bị tai nạn lao động sẽ được bồi thường bảo hiểm cao hơn. Trước đây, đã từng có trường hợp lao động tử nạn ở Hàn Quốc được hưởng mức bồi thường từ Công ty Bảo hiểm Samsung khoảng 30.000USD. Có trường hợp lao động bị tai nạn, công ty bảo hiểm nước ngoài chi trả bảo hiểm lên tới 70.000-80.000USD.
Ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng Giám đốc LOD: Đàm phán để tăng tiền hỗ trợ người lao động
Tiền bảo hiểm chi trả hơn 300 triệu đồng mới chỉ là bước đầu. Quan điểm của DN là giải quyết đến đâu, hỗ trợ đến đấy. Đây là sự cố không ai mong muốn nên trong thời gian này, phía chủ tàu Hàn Quốc đang phải giải quyết các sự vụ liên quan. Trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ phải đàm phán với chủ tàu để bảo vệ quyền lợi, bù đắp những mất mát cho những gia đình có người bị mất. Những lao động sống sót trước lúc lên máy bay về nước được phía chủ tàu hỗ trợ 1.000USD/người, với người chết hoặc mất tích chắc chắn mức hỗ trợ sẽ cao hơn.
N.K (ghi)
Nguyên Khôi