Trời rét đậm nhưng nông dân vẫn đưa trâu ra đồng. |
Những ngày giá rét vừa qua, nông dân vẫn ra đồng gieo cấy trà xuân muộn dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, khi nền nhiệt độ xuống thấp dưới 150C đối với cây lúa, tuyệt đối không được gieo, cấy.
Đến nay, Hà Tĩnh đã gieo cấy hơn 8.997ha trà xuân sớm, 27.793ha trà xuân trung, 650ha trà xuân muộn và bắc 232ha mạ xuân muộn. Do rét đậm, rét hại kéo dài nên đã có hơn 50ha mạ vụ đông xuân bị chết, tập trung nhiều nhất ở Đức Thọ, rải rác ở các địa phương như: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP.Hà Tĩnh…
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 22 -1, Hà Tĩnh đã có hàng trăm con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét, tập trung ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang và Hương Sơn.
Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài do yếu tố nền nhiệt độ thấp kéo dài, nguồn thức ăn chăn nuôi thiếu thốn, phải kể đến ý thức kém của người dân trong việc bảo vệ "đầu cơ nghiệp"của chính mình. Ở một số nơi những ngày rét đậm, rét hại dưới 120C, bà con vẫn chăn thả rông đàn trâu bò, thậm chí nhiều người còn sử dụng trâu, bò làm sức kéo trên đồng ruộng ngập nước.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt để chỉ đạo bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Đối với Hà Tĩnh, chưa có năm nào vụ đông xuân lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Ngoài diễn biến thời tiết bất thường, sâu bệnh cũng được dự báo diễn biến phức tạp; hệ thống kênh mương phục vụ tưới bị lũ tàn phá nghiêm trọng; giống dự trữ trong dân hư hỏng hết; giá giống, vật tư phân bón tăng lên từng ngày".
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức 18 đoàn kiểm tra, chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương trọng điểm trong tỉnh và đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và mọi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, trước tình hình thời tiết có thể còn rét đậm, rét hại kéo dài.
Đình Thông