Dân Việt

Nam Trung bộ chìm trong lũ

01/11/2010 09:31 GMT+7
(Dân Việt) - Từ 29 đến 31-10 tại nhiều tỉnh Nam Trung bộ có mưa to gây ra lũ lớn, khiến hơn 5.000 hộ dân ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận bị ngập sâu, hàng trăm nhà bị sụp đổ, hàng nghìn ha hoa màu, nho bị ngập úng.

Dân nháo nhào trong lũ

Kể từ năm 1998 đến nay tại Nha Trang (Khánh Hòa) chưa có đợt mưa lũ nào lớn như mấy ngày nay. Mưa lớn (300mm) liên tục đã làm nước sông dâng cao, lũ đột ngột đổ về vùng trũng xã Vĩnh Thái và khu vực đồng muối phường Phước Hải (Nha Trang) làm khu vực này ngập sâu trong nước từ 1,5 – 2,5m. “Mới thấy nước xâm xấp sân nhà, thế mà trong chốc lát nước đã dâng ngang cổ” - chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Vĩnh Xuân, Xã Vĩnh Thái) kinh hoàng kể lại.

img
Khắc phục sạt lở do mưa lớn trên đèo Cả (Phú Yên) sáng 31- 10.

Cả nhà 5 người trèo lên nóc nhà, vừa ngồi vừa khóc. Nước dâng lên nữa là chết hết. Ông Nguyễn Văn Danh -Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết: Việc đưa dân ra khỏi vùng lũ diễn ra chậm vì dân bị mắc kẹt quá nhiều, nước lại chảy xiết nên không thể dùng xuồng. Đến 13 giờ chiều 31-10, mới chỉ khoảng 100 hộ dân được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại tổ 7, phường Vĩnh Phước, có 37 ngôi nhà của ngư dân xóm chài bị sóng cuốn trôi, đập vỡ. Chị Trần Thị Thành, có nhà bị sụp, thất thần kể: “Sóng lớn quá, lớn chưa từng thấy, tôi chỉ kịp ôm hai đứa con chạy. Mới vừa ra khỏi đã thấy nhà đổ ụp xuống, tài sản trôi hết”.

Chị Ngô Trần Minh Tâm, hàng xóm với chị Thành, chia sẻ: Đang ngủ, tự nhiên thấy lạnh buốt, gió thốc vào lồng lộng. Vợ chồng bật đèn lên kiểm tra thì thấy tường phòng ngủ đã nứt toác chỉ chực đổ xuống. Thế là vợ chồng cuống cuồng ôm con tháo chạy.

Hoà Thịnh và Hoà Mỹ Tây (huyện Tây Hoà) là 2 xã bị ngập nặng nhất do nước lũ trên sông Bánh Lái lên nhanh, kết hợp nước từ Sông Trong đổ về.

Tại xã Hoà Thịnh, 10-10 thôn đều bị ngập sâu, trong đó gần 100 nhà nước ngập đến cửa sổ, nhân dân phải sơ tán. Sáng 31-10, tại xã Hoà Thịnh, 1 phụ nữ chuyển dạ, UBND xã phải huy động đội ứng cứu dùng canô đưa sản phụ lên bệnh viện huyện vì trạm xá đã bị ngập.

3 người chết, 17 ngư dân trôi trên biển

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Khánh Hòa, đến 16 giờ chiều 31-10, tỉnh này có 3 người chết, 1 người bị thương, vì mưa lũ. Trong đó có 1 em bé (trú tại xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) 10 tháng tuổi bị lũ cuốn trôi.

Tại Phú Yên, khoảng 9 giờ 30 ngày 30-10, trong lúc lùa trâu qua sông Đập Hàn (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), anh Phạm Đình Quốc (27 tuổi) bất ngờ bị hụt chân, may được người dân cứu vớt kịp thời nên thoát chết.

Nghe tin con bị nạn, ông Phạm Đình Cư (53 tuổi, cha Quốc) đi xuồng nhỏ đến cứu con, đã bị sóng đánh lật xuồng chết đuối. Đến 11 giờ ngày 31-10, địa phương mới tìm được xác ông Cư.

Tại Bình Định, đến 16 giờ chiều ngày 31-10, vẫn còn 17 ngư dân của địa phương đang gặp nạn tại vùng biển Trường Sa và các ngư trường phía Nam.

Trong đó có 6 ngư dân trên tàu BĐ 30426 (do ông Lê Văn Tiến ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định, làm thuyền trưởng), bị gãy chân vịt trôi dạt gần đảo Côn Sơn (Bà Rịa- Vũng Tàu) từ chiều ngày 30-10. 10 ngư dân còn lại là của tàu BĐ 50377 (do anh Nguyễn Hữu Quang, ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, làm chủ), bị hỏng máy đang trôi tự do trên biển từ chiều 30-10.

Ngoài ra, ở Bình Định còn có trường hợp ông Văn Công Trãi (ở xã Hoài Hải, Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96247 bị mất tích trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng những địa phương mà các tàu cá BĐ 30426, BĐ 50377, BĐ 96247 gặp nạn để tìm sự giúp đỡ.

22 hành khách thoát chết

Rạng sáng 31-10, 22 người trên chiếc xe từ Huế đi Đà Lạt đã được cứu thoát khi xe bị chết máy, ngập trong nước lũ ở tỉnh lộ 2, đoạn qua đèo Sãi Me (Diên Thọ, Diên Khánh, Khánh Hòa). Nhận tin báo lúc 3 giờ 45 phút ngày 31-10, đội cứu hộ của xã Diên Thọ đã kịp thời tiếp cứu khi xe đã ngập sâu 1,7m trong nước, đưa toàn bộ người trên xe về nơi an toàn.