Cơn lũ vào mùa đông năm 2009 đã quét qua xóm Trường làm sụp đổ toàn bộ 44 ngôi nhà ở đây. Năm 2009 và 2010, bà con đón Tết trong những căn lều dựng tạm trên một quả đồi. Mãi đến hôm nay, 44 gia đình xóm Trường mới lại có nhà để đón Tết.
Người dân xóm Trường chăm sóc những luống rau đã kịp lên xanh tại ngôi nhà mới. |
Toàn bộ nhà của họ do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ đầu tư. Bộ Quốc phòng giúp xây dựng cho bà con con đường bê tông chạy dài trong xóm. Các nhà hảo tâm khác cũng giúp bà con xây dựng tường rào, cổng ngõ nên xóm bây giờ trông khang trang, đẹp đẽ hơn. Những tháng gần đây, bà con đã về xóm phục hồi lại sản xuất. Những khóm rau ngày Tết đã kịp lên xanh, những luống cúc Vạn Thọ, cúc Đà Lạt... bắt đầu khoe sắc vàng, báo hiệu ngày Tết đang về với xóm Trường.
Ở xóm này, bà con từng xót xa trước tình cảnh 3 anh em Trương Công Hưng mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ sau một cơn lũ. Những ngày sau lũ, không có nhà, Hưng phải đưa em út về quê nội ở Bình Định để học. Còn Hưng phải nghỉ học để mưu sinh. Hơn 1 năm trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, 3 em đã có nhà mới để quay về chăm lo phần mộ và bàn thờ cha mẹ.
“Được cúng giỗ cha mẹ trong ngôi nhà mới này, tụi con đã hết tủi lòng”- Hưng tâm sự.
Bên cạnh nhà Hưng là nhà vợ chồng bà Trần Thị Liên Chín (74 tuổi) và ông Phan Đình Cát (80 tuổi). Trong cơn lũ dữ năm 2009, hai cụ sống sót được nhờ đu bám trên đọt cây xoài cổ thụ của làng. Họ đã rớt nước mắt khi nhìn ngôi nhà mình từng gắn bó nhiều chục năm đổ sụp xuống và bị cuốn đi trong lũ.
Giờ đây, từ số tiền hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ và các tổ chức, đơn vị, hai cụ cũng đã hoàn tất ngôi nhà với mảnh sân láng xi măng. “Vợ chồng tui không còn sống được bao lâu nữa nhưng có cái nhà để ngày Tết con cháu có nơi mà về, vậy là vui rồi”-bà Chín nói.
Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Các cấp chính quyền vừa cấp phát gạo cho bà con neo đơn, già yếu, nghèo trong xóm Trường. Những hộ khó khăn, đau bệnh cũng được xã hỗ trợ ít tiền. Bà con xóm Trường năm nay ai cũng có cái Tết đầm ấm, vui vẻ.
Lê Biết