Dân Việt

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói gì về Táo quân Tết?

03/02/2011 12:54 GMT+7
Dân Việt - Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - “chủ xị” các chương trình Táo quân Tết, mỗi sản phẩm "Táo quân" khi đến với công chúng không bao giờ bảo toàn được nguyên xi như kịch bản ban đầu.

Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (đơn vị sản xuất loạt chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm, Gala Cười, Thư giãn cuối tuần của VTV) cho biết: “Táo quân có những phần nội dung không chủ đích phải tạo tiếng cười, nhưng là những nội dung cần đề cập đến. Bên cạnh đó, những người thực hiện chương trình cũng phải tính toán đầu tư cho những phần nội dung chuyển tải tiếng cười”.

img
Táo quân có những phần nội dung không chủ đích phải tạo tiếng cười

Mặc dù được bàn bạc, viết đi viết lại rất nhiều lần, nhưng nội dung kịch bản các chương trình Táo quân còn tiếp tục được thay đổi đến phút chót. Thực tế, mỗi sản phẩm "Táo quân” khi đến với công chúng chỉ bám được tối đa 50% kịch bản ban đầu, còn lại là những sáng tạo trong quá trình tập luyện của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, đối với Táo quân Tết Tân Mão, do lần này có nhiều người viết kịch bản hơn, thời gian viết cũng lâu hơn (từ tháng 10, chương trình đã được lên ý tưởng, triển khai bố cục kịch bản) nên khi bắt tay vào dàn dựng thì nội dung được bảo toàn đến 70-75% so với kịch bản ban đầu.

Trước câu hỏi liệu êkip làm chương trình Táo quân năm nay có phải tránh né những vấn đề nhạy cảm, “chủ xị” chương trình khẳng định, sự né tránh không phải là chủ đích của những người thực hiện.

img
Chương trình Táo quân không chủ đích né tránh những vấn đề nhạy cảm

“Táo quân khác biệt với các chương trình chính luận ở chỗ nêu lên những vấn đề rất nhiều người biết đến, nhưng lại chuyển tải chúng dưới góc độ hài hước. Đó là cái khó cũng như là cái riêng biệt của Táo quân. Nhưng sử dụng ngôn ngữ hài, cách biểu đạt của hài để phản ánh một vấn đề mà nếu “nói chưa tới” thì chúng tôi cũng thôi không thực hiện”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải thẳng thắn bày tỏ.

Anh cho biết thêm: “Từ cơ sở đầu tiên là ý tưởng, êkip làm chương trình Táo quân mới xây dựng nên nội dung chi tiết cho chương trình, và cùng với đó là phối hợp với các yếu tố trò diễn, lời thoại, diễn xuất của diễn viên và các yếu tố hỗ trợ khác, để mang đến tiếng cười ý nghĩa cho khán giả”.

Điểm lại kịch bản Táo quân Tết Tân Mão

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt diễn ra, vì thế, nội dung của Táo quân Tết Tân Mão đã bám sát các vấn đề nổi cộm của đời sống xã hội trong năm qua. Với ý tưởng bắt đầu là một cuộc thi Táo Idol, chương trình đã tạo “đất” cho các Táo lần lượt báo cáo về ngành mình đại diện.

img
Từ trái sang: Táo Dân (Thành Trung), Bắc Đẩu (Công Lý), Ngọc Hoàng (Quốc Khánh), Nam Tào (Xuân Bắc), Táo Quy hoạch (Hiệp gà), Táo Điện lực (Vân Dung), Táo Kinh tế (Quang Thắng), Táo Văn hóa - Xã hội (Tự Long), Táo Giao thông (Chí Trung)

Bị “lên thớt” đầu tiên, Táo Giao thông (Chí Trung) ra sức trần tình về hàng loạt vấn đề như: lô cốt “mọc” lên tràn lan, “hố tử thần”, ùn tắc giao thông,… Cả vụ tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông phát cho học sinh lại có nội dung khiêu dâm cũng được đem ra phê phán.

Đến phần thi của Táo Điện lực (Vân Dung), những vấn đề nóng bỏng nhất của ngành điện trong năm qua đã được tái hiện, đó là câu chuyện phá rừng làm thủy điện, thủy điện xả lũ không an toàn gây ngập lụt cho dân, cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống…

img
Táo Điện lực trong màn múa “Chặt rừng đầu nguồn” với tiết tấu hùng hồn, sôi nổi

Đối với Táo Kinh tế (Quang Thắng), phần giải trình của Táo này chủ yếu xoay quanh câu chuyện giá cả gia tăng, từ xăng dầu, điện nước, vàng, ngoại tệ… trong khi lương thì vẫn thấp.

Với cách ứng xử “quy hoạch vị quy hoạch, không phải quy hoạch vị nhân sinh”, đến lượt Táo Quy hoạch (Hiệp gà) bị đưa ra rút kinh nghiệm khi chưa giải quyết được tình trạng ngập úng, triều cường hay nhà siêu mỏng làm xấu bộ mặt đô thị.

Và phần thi cuối cùng là của Táo Văn hóa – Xã hội (Tự Long). Đây cũng là một phần thi phản ánh được nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội năm qua, như việc tràn lan các bài hát lời lẽ nhố nhăng, nội dung nghèo nàn, tình trạng “lộ hàng”, học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng, bảo mẫu ngược đãi trẻ em.

Khép lại năm phần thi, đúng lúc Ban giám khảo định công bố kết quả thì bỗng xuất hiện thêm một Táo nữa là Táo Dân – đại diện cho người dân đến dự thi. Nhờ rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm tôi luyện được từ những khó khăn, thách thức mà các Táo khác đã gây cho, Táo Dân đã xuất sắc đăng quang danh hiệu Táo Idol.

img
Tất cả đều tán thành việc Táo Dân đăng quang tại cuộc thi Táo Idol

Vẫn đi theo mạch những vấn đề của đời sống xã hội qua lăng kính hài hước, Táo quân Tết Tân Mão đã vượt qua được chính mình khi tìm ra ý tưởng và hình thức thể hiện mới mẻ, đặc sắc, thể hiện chất trí tuệ của những người làm chương trình.