Dân Việt

Tết Giáp Ngọ ghé thăm “phố xe ngựa” rộn ràng đón xuân mới

Hà Văn | Gia đình Việt Nam 31/01/2014 15:36 GMT+7
"Nghề xà ích thật thú vị, ngồi lắc lư, lặng lẽ chiêm nghiệm cuộc đời, cảm nhận những vị khác nhau. Nhất là những ngày mùa xuân, ngựa cùng người được ruổi rong trên phố”, tâm sự của một xà ích.
Những ngày cuối năm, thời gian như hối hả hơn ở “phố xe ngựa”. Những xà ích như chạy đua để chào đón năm mới. Đây có lẽ là con phố độc đáo nhất Việt Nam. Du khách sẽ như say như mê khi ngắm cảnh hàng trăm chiếc xe ngựa dưới sự điều khiển tài tình của những xà ích tài ba.

Xe ngựa là phương tiện hiệu quả nhất ở vựa rau Đơn Dương.
Xe ngựa là phương tiện hiệu quả nhất ở vựa rau Đơn Dương.

Trên là trời, dưới là… ngựa

Phố xe ngựa Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có tới hơn 300 chiếc xe ngựa và cũng có chừng ý xà ích. Ở mảnh đất này, phương tiện chuyên chở hàng hóa và các loại rau quả xưa nay chỉ dung duy nhất là xe ngựa. Xà ích Trần Văn Bảo, thở dốc ra sau khi ì ạch chở đầy một xe rau cho các đầu mối: “Mùa xuân này đặc biệt lắm, vì là xuân Giáp Ngọ. Nếu không có xe ngựa, vựa rau lớn nhất Tây Nguyên này sẽ vất vả hơn nhiều”.

Quả đúng vậy, Đơn Dương là vựa rau lớn của cả nước, với hơn 5,650 ha đất nông nghiệp chủ yếu là trồng rau, trước đây người dân chủ yếu trồng dâu tằm. Khoảng vào những năm 1993, khi dâu tằm không còn chỗ đứng, người dân quay sang trồng rau. Tuy nhiên sự khởi đầu cho mặt hàng nông nghiệp mới này vướng phải một cản trở lớn nhất đó là vận chuyển rau. Nếu gặp phải trời mưa, bất cứ loại ô tô nào cũng nằm ỉm chịu chết.

Có phố xe ngựa, xóm xe ngựa cũng hình thành theo. Cả xóm có đến 300 xà ích. Các xì ích đã lên tận Đà Lạt rồi ra Sập tìm các giống ngựa lai khỏe mạnh về. Ngựa có tính “cơ động chiến đấu” khi xộc thẳng vào những ruộng rau đường hẹp, trơn trượt.

Ngày ngựa về với Đơn Dương cũng lắm gian nan, có thời kỳ, cơ quan chức năng đã cấm hoạt động mô hình xe ngựa vì cồng kềnh, gây nguy hiểm. Những xà ích khi ấy chẳng có việc gì làm chỉ ngồi cà phê… vò tóc tìm kế mưu sinh. Người trồng rau cũng điêu đứng theo vì không có phương tiện vận chuyển. Từ hàng ngàn lời khẩn cầu của người dân, nhiều cuộc họp được tổ chức, xe ngựa nhanh chóng chứng minh mình là “phương tiện không thể thay thế để chuyên chở rau” cho vùng đất này.

Điều kỳ lạ ở phố xe ngựa này là nhiều xà ích từ Khánh Hòa, Nghệ An, Hưng Yên trong một lần dạo chơi qua Đơn Dương đã quyết định chuyển hẳn về đây để nhập vào phố xe ngựa này. Xà ích Lê Hữu Hào giãi bày: “Phố xe ngựa này qua đọc đáo nên tôi yêu ngay khi đến thăm lần đầu tiên. Mùa xuân năm nay sẽ là xuân to nhát, linh đình nhất của phố xe ngựa này đấy vì cái gì cũng gắn với ngựa hết”.

Xe ngựa vào tận ruộng rau nhận hàng.
Xe ngựa vào tận ruộng rau nhận hàng.

Vẫn xoay theo phận ngựa

Sau những giờ lao động nhọc nhằn, các xà ích luôn bàn luận về ngựa. Dường như ngựa với người như tri kỷ vậy! Những cú lật xe lộn nhào cả rau lẫn ngựa trên đường gập ghềnh, những lần ngựa vấp đá văng mất móng sắt khiến xà ích chảy nước mắt xót thương. Rồi những lần ngựa sa sình lầy, giương đôi mắt buồn bã nhìn chủ cầu cứu, đó là lúc người và ngựa như hòa làm một.

“Một chuyến chở rau ngày xưa tiền chả đáng bao, bây giờ lên 50.000 đồng/km, xa hơn tí thì khoảng 100 ngàn”, anh Trần Văn Lực (44 tuổi), một xà ích gắn bó với nghề trên 15 năm tâm sự. Con Mã Hồng đang phục vụ anh đã gắn bó suốt bao năm, anh am hiểu đến từng hơi thở của nó.”Khi nó đâu thì nó thở mạnh, khi nó mệt thì nó cứ chùn chân rồi khi nó bệnh thì mắt cứ lờ đờ đi… gắn bó với nhau bao nhiêu năm, tôi hiểu nó như hiểu từng bộ phận trên cơ thể của mình vậy”, anh Lực tâm sự.

Giá mỗi con ngựa khoảng 40 triệu, một cỗ xe là 7 triệu, không chỉ phục vụ tại Đơn Dương lắm lúc ngựa phải “chạy show” sang các vùng lân cận. Thế nên tình thương của những xà ích dành cho ngựa cũng như tăng thêm.

Giáp Tết, vì lao động nhiều quá, con Phi Mã của xà ích Trần Văn Nam ngã bệnh, Nam không buồn vì lỡ mất mầy ngày chở hàng mà anh buồn vì Phi Mã cứ nằm thôi. Nam giãi bày: “Thấy nó buồn là mình buồn theo. Chắc nó hiểu chủ nên chở hàng chạy rất hăng cho đến khi bệnh nặng nằm bẹp mới chịu thôi đấy. Giờ chỉ cầu nó khỏe để đón năm mới cùng với chúng tôi thôi. Xà ích nào ở đây cũng xem ngựa như cánh tay, đôi chân của mình chứ không còn là một con vật thông thường nữa đâu”.

Anh Quý, một xà ích mang tâm sự: "Nghề xà ích thật thú vị, ngồi lắc lư, lặng lẽ chiêm nghiệm cuộc đời, cảm nhận những vị khác nhau. Nhất là những ngày mùa xuân, ngựa cùng người được ruổi rong trên phố”.

Ước vọng của những xà ích tuổi Ngọ

Một sự trùng hợp đến ngỡ ngàng khi ở phố xe ngựa này có đến hơn chục xà ích cầm tinh con ngựa. Bởi thế nên năm Giáp Ngọ với họ ý nghĩ như nhân lên nhiều lần. Xà ích Trần Văn Lực thổ lộ: “Tôi cầm tinh Ngựa, cả đời lại gắn với việc đánh xe ngựa. Thế nên đêm Giao thừa năm nay tôi sẽ tắm rửa cho chú ngựa quý của mình thật sạch sẽ, mua một bộ gấm hồng phủ lên. Sau đó sẽ làm một mâm cỗ linh đình, có cả thức ăn dành cho ngựa. Cả gia đình sẽ cùng hát ca và đón giao thừa với chú ngựa này”.

Xà ích Quý và Lực cũng khoe rằng: Tất cả 300 chú ngựa ở con phố này đúng ngày mùng Một Tết Giáp Ngọ sẽ được tập trung chải chuốt một cách mượt mà sau đó sẽ cùng các gia đình thong dong đi chơi Tết. Những món ăn ngon nhất cho ngựa cũng được chuẩn bị chu đáo ngay từ những ngày giáp Tết. Xà ích Vũ Văn Tùng lại mang một ý tưởng đầy lãng mạn “Trước thềm năm mới, cả đời gắn với ngựa lại cầm tinh con ngựa nên tôi sẽ viết tất cả ước mơ và mong muốn của gia đình mình lên lưng ngựa. Ước vọng cho ngựa khỏe, người khỏe trong năm Giáp Ngọ này”.