Dân Việt

Doanh nghiệp mơ hồ dạy nghề cho lao động

01/11/2010 15:55 GMT+7
(Dân Việt) - Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt hơn 1 năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp mơ hồ về quyết định này.
img
Đào tạo nghề đan lát thủ công cho thanh niên nông thôn

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (quyết định 1956-QĐ/TTg) đã được Thủ tướng phê duyệt hơn 1 năm, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có doanh nghiệp - 1 trong 3 đối tuợng chính (trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp, lao động nông thôn) của đề án.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn chủ động vào cuộc như Tổng Công ty Dệt may VN, Tổng Công ty Thuốc lá. Các tổng công ty này trực tiếp đứng ra cấp kinh phí mở lớp, giảng dạy (theo quy trình) và tạo vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn mơ hồ về quyết định này. Ngay cả khi họ đã trực tiếp tham gia dạy nghề theo đề án.

Điển hình như Công ty XNK Phú Minh, Hưng Yên, chuyên kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan, mỹ nghệ. Trước đây, doanh nghiệp cũng chi cả tỷ đồng vào việc đào tạo lao động, thế nhưng khi được mời tham gia đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 và đã trực tiếp giảng dạy mà doanh nghiệp vẫn không hề biết Quyết định 1956 là quyết định gì?

Ông Nguyễn Văn Khiêm - Giám đốc Công ty trăn trở: "Hiện nay chúng tôi cũng mới tham gia Đề án theo lời mời của Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu (Nam Định). Việc tham gia chỉ là thoả thuận giữa 2 bên, chứ thực ra chúng tôi cũng không biết có đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn như thế nào và doanh nghiệp có quyền lợi, nghĩa vụ gì từ đề án này. Do đó, tới đây chúng tôi mới nghiên cứu để làm một bản đề xuất tham gia đề án với Tổng cục Dạy nghề".

Một số doanh nghiệp khác thì nghĩ rằng đây là cách tạo nguồn lao động miễn phí nhưng hững hờ, không mấy quan tâm đến đề án với lý do: "Chắc gì đề án đã có chế độ ưu đãi, mà có thì doanh nghiệp cũng khó mà tiếp cận được".

Mục tiêu chính của đề án là sau 10 năm, về cơ bản đào tạo nghề cho gần 10 triệu lao động, gắn với việc làm sau đào tạo. Do đó, việc huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo hiệu quả bền vững cho đề án. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào cuộc, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Miễn kinh phí đào tạo, hỗ trợ tiền học nghề cho lao động…

Như vậy, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí đào tạo, mà qua đó còn được hưởng lợi từ nguồn lao động đã qua đào tạo, đáp ứng được hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa hiểu doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ gì nên đề án vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia.n