Dân Việt

Nhớ người tốt Trịnh Thịnh

Mai An 14/04/2014 12:43 GMT+7
Thế là người cuối cùng trong bộ ba “Dương Quảng - Trịnh Mai- Trịnh Thịnh” đã về trời. NSND Trịnh Thịnh - một lão nông hiền lành tử tế trong con mắt khán giả yêu điện ảnh quy tiên sáng ngày 12.4, hưởng thọ 89 tuổi.
Được đào tạo bài bản, NSND Trịnh Thịnh là một người có học hành bài bản để làm ngân hàng, nhưng cái máu mê sân khấu đã bứt ông ra khỏi đời sống công chức, để đến với nghệ thuật.

NSND Trịnh Thịnh trong phim  Vợ chồng A Phủ.
NSND Trịnh Thịnh trong phim Vợ chồng A Phủ.

Cái thời kỳ hoàng kim của ông, cũng như thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam, có lẽ khái niệm “ngôi sao” là một điều gì đó mơ hồ. Thời đó chẳng bao giờ có phát ngôn gây sốc, có “sang chảnh”, có làm giá, làm cao… nên những người như ông, hay các NSƯT Dương Quảng, Trịnh Mai, Trần Hạnh… chỉ quan niệm nghệ thuật cũng là một nghề. Và họ đã làm cái nghề ấy, bằng cái tâm, bằng giọt mồ hôi và những nỗ lực cống hiến trong thầm lặng.

Làm sao có thể quên được từng động tác diễn của NSND Trịnh Thịnh, cái gương mặt đau đớn bức bối của một người cha suốt đời chỉ thờ cái thuyết tam tòng, đã tìm đủ mọi cách để triệt đường yêu đương tự do của cô con gái trong “Lá ngọc cành vàng”. Làm sao quên được gương mặt u uất của người cha trong phim truyền hình “Lời nguyền của dòng sông”, một gương mặt mà chỉ cần ống kính chớp qua một vài lần đã hé lộ cho khán giả cả một bầu tâm sự nghẹn đắng.

Rồi cái dáng đi, dáng chạy, từng điệu bộ để đời của ông trong phim “Thằng Bờm”. Cái lừ mắt của ông, sự ngớ ngẩn một cách trịnh trọng của cha con ông cháu nhà Bờm đã làm cho khán giả được cười lăn lộn. Có lẽ chỉ ông chứ không phải ai khác, mới chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, cái ranh giới của minh triết và sự ngu độn ở một con người nhiều khi nhập nhèm lắm, quá một tý là trộn lẫn vào nhau.

Tôi cứ tưởng tượng như tất cả các bộ phim mà NSND Trịnh Thịnh đã từng tham gia sẽ nhạt hoét nếu như ông không xuất hiện ở đó, không làm một vai trong đó, dù chính hay là phụ. Con người ấy thế mà vô cùng khiêm cung, giản dị, một bậc tài hoa như thế nhưng đi đâu, làm gì cũng đúng giờ, cũng hết sức trách nhiệm.

Cách đây 15 năm, tôi đã có dịp được may mắn hầu chuyện ông. Trong căn nhà giản dị ở một khu tập thể cũ trên phố Nguyễn An Ninh, giữa những bàn ghế đơn sơ, cốc chén mộc mạc của một gia cảnh thanh bần, ông rủ rỉ nói với tôi về nghệ thuật, về tình yêu mà ông cả đời đeo đuổi.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926 tại Hà Nội từng làm việc ở Ngân hàng Đông Dương trước năm 1954. Sau 1954, ông bén duyên với điện ảnh với tư cách là diễn viên lồng tiếng, tham gia sân khấu kịch. Tang lễ NSND Trịnh Thịnh sẽ được cử hành vào hồi 14 giờ 45 ngày 15.4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Không có những tuyên ngôn mạnh mẽ hay quyết liệt về điện ảnh, câu chuyện của NSND Trịnh Thịnh hồi ấy chỉ là những vai diễn mà ông đã trải qua, nỗi buồn về sự sa sút của điện ảnh cũng như những giá trị đạo đức căn cốt ở đời.

Giọng nói ông ấm áp, gương mặt ông trầm buồn, nỗi buồn từ đáy tâm can đã thấm ra từng làn da thớ thịt, từng cử động, từng ánh mắt. Nhìn ông khi ấy, ai dám bảo đó là một nghệ sĩ có khả năng chọc cười khán giả bậc nhất của sân khấu phía Bắc cơ chứ?

Những người như ông, và thế hệ của ông, đã sống thật đẹp đẽ, thật tử tế trọn cả hai vai, vai diễn của một con người và vai diễn của một nghệ sĩ. Họ chẳng cần lên gân, họ mộc mạc như một thứ gỗ quý trong rừng, suốt đời dâng tặng một thứ bóng mát diệu kỳ cho đời.

Trong suốt cuộc đời mình, NSND Trịnh Thịnh và thế hệ của ông đã cho cuộc đời nhiều lắm, cho tình yêu, cho lòng nhiệt thành, cho tâm huyết, cho đi những nhân cách đẹp, những bức chân dung tử tế về con người.