Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để ra khơi. |
Sáng 24-1, ông Trần Đình Diêm (chủ tàu cá QN-94122, Quảng Nam) hối hả đổ dầu, kiểm tra máy móc, chuẩn bị gạo, mắm, muối... cho chuyến ra khơi vào chiều cùng ngày. Ông Diêm cho biết, nghề của mình là vậy, đến mùa cá phải ra biển, bất kể lễ, Tết.
Nhiều năm rồi, ông và 15 ngư dân trên tàu ăn Tết trên biển. Mỗi chuyến ông ra biển từ 15 - 20 ngày. Chuyến đi này, nếu có cá phải qua mùng 10 Tết ông mới lại vào bờ. Chị Lê Thị Mai - vợ ông, dắt con gái từ Quảng Nam ra chia tay cha. Ông Diêm ôm con gái vào lòng: “Con tôi đã gần 10 tuổi rồi mà chưa một cái Tết nào thấy cha ở nhà”.
Cũng xuất bến ngày này với ông Diêm là ông Võ Tăng (40 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) thuyền trưởng tàu QNg-98156. Ông Tăng đưa lên tàu 3 con gà cùng bánh tét, kẹo, mứt… “Chừng đó là có giao thừa ấm cúng trên biển rồi”. “Năm hết Tết đến, ai chẳng muốn sum vầy cùng gia đình. Nhưng vì miếng cơm manh áo, phải chấp nhận vậy thôi”-ông Tăng tâm sự.
Ngư dân Huỳnh (tàu QNg-94637), người nhiều năm đón Tết trên biển, cười nói: “Người ta nghĩ Tết ra biển buồn lắm. Không hẳn vậy đâu. Đêm giao thừa, các tàu đều nghỉ đánh cá, liên lạc với nhau tập trung về một điểm để đón giao thừa. Sau khi các thuyền trưởng cúng xong, các tàu sẽ nổi còi ầm vang báo hiệu năm mới.
Rồi anh em điện đàm chúc mừng nhau, gọi về nhà chúc Tết vợ con. Sau đó quây quần lại ăn bánh tét, tâm sự, ca hát cả đêm”. Cũng lời ông Huỳnh, ra biển dịp Tết cũng là góp phần giữ gìn lãnh hải đất nước. “Dịp Tết tàu cá nước ngoài thường vào đánh bắt trộm trên vùng biển của ta. Nhiều lần chúng tôi phát hiện đã kịp thời báo với bộ đội biên phòng để xua đuổi”- ông Huỳnh cho biết.
Tất nhiên ra biển dịp năm hết Tết đến, cũng có người buồn, nhất là các ngư dân trẻ lần đầu tiên xa gia đình, bạn bè trong dịp năm mới. “Cũng buồn, nhưng phải tập cho quen đi, đã chấp nhận làm nghề này thì phải chịu vậy thôi. Chỉ mong sao cho trúng được nhiều cá”- ngư dân trẻ Lê Văn Công (24 tuổi, quê ở Phú Yên) vừa bước chân lên tàu vừa nói.
Vũ Vân Anh