Con số gần 500 tỷ mà các ông chủ đổ vào V.League mùa 2010 mà cuối cùng không thu được đồng lãi nào, liệu có phải là vô lý?
Thực tế cái gọi là quảng bá thương hiệu chỉ là một phần. Đơn cử như việc T&T bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư cho đội bóng Hà Nội T&T nhưng rõ ràng bây giờ hỏi T&T là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nào thì rất nhiều người trả lời là... chịu.
Cái lời mà những ông chủ bóng đá có được không từ bóng đá mà từ những chỗ khác, như một cách đánh đổi. Doanh nghiệp HAGL liệu có được hỗ trợ tối đa từ tỉnh đến như thế nếu không đứng ra vực dậy đội bóng? V.Ninh Bình tiêu tiền nhiều thế để làm gì nếu như họ không được đất và những cơ chế thuận lợi để kinh doanh?
Tuần rồi, rộ lên chuyện Xuân Thành Hà Tĩnh "chuyển khẩu" từ Hà Tĩnh vào TP.HCM. Lý giải cho điều này chính là việc doanh nghiệp Xuân Thành cảm thấy chẳng còn "cửa" gì ở Hà Tĩnh...
Bóng đá Việt Nam phát triển nóng, nhưng cái nóng ấy không hẳn vì bóng đá Việt Nam mà vì quyền lợi của chính doanh nghiệp. Nó tạo ra những mớ bong bóng và khi những quyền lợi ấy không đáp ứng được cho các ông chủ thì việc bỏ rơi bóng đá là chuyện tất yếu.
Bóng đá Việt Nam không tự nuôi sống mình, phải ăn bám và sống trong sự bấp bênh mang tên chuyên nghiệp.
Vi Thành