Đó là cảnh báo của Tổ chức Cứu trợ Oxfam, trong báo cáo “Đất của ta, sự sống của ta” công bố đầu tháng 10 này.
Oxfam cho biết, trong vòng 10 năm qua, tiến độ trưng mua đất đai trên toàn thế giới đang diễn ra với một tốc độ nhanh chóng. Một diện tích đất tương đương với 8 lần diện tích của nước Anh đã bị bán cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới để phục vụ cho các dự án công nghiệp.
Quỹ đất này, theo tính toán của các nhà khoa học, lẽ ra có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp để nuôi sống 1 tỷ miệng ăn của thế giới, trong khi đó Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa cho biết số 1/8 dân số thế giới vẫn đang bị đói ăn trầm trọng.
Theo điều tra của Oxfam, cứ 6 ngày, các nhà đầu tư ngoại quốc lại trưng mua một diện tích đất ở các nước nghèo rộng bằng cả thủ đô London, tức là vào khoảng trên 150.000ha. Đáng chú ý là tốc độ vơ vét đất đai chủ yếu diễn ra với tốc độ cao ở các nước mà nạn đói nghèo vẫn còn phổ biến.
Tại Liberia - quốc gia châu Phi năm 2003 mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, nhưng chỉ trong vòng 5 năm, 30% số diện tích của đất nước này đã được đem bán cho các nhà đầu tư. Còn ở Campuchia, các chuyên gia của Oxfam đánh giá có khoảng từ 56- 63% diện tích đất đai canh tác đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dùng vào mục đích phi nông nghiệp.
Oxfam cũng nhận thấy một nguyên nhân khác dẫn đến thu mua đất đai đẩy mạnh hơn, đó là giá lương thực thế giới tăng mạnh. Tình trạng này sẽ còn dẫn tới việc đẩy giá lương thực thực phẩm thế giới lên cao trong thời gian tới. Ngoài ra, các vụ mua bán chuyển nhượng đất đang phát triển mạnh ở các nước nghèo còn làm nảy sinh hiện tượng cưỡng chế tước đoạt quyền sở hữu của nông dân, dẫn đến những hệ lụy xã hội nghiêm trọng.
Oxfam cũng kêu gọi thể chế tài chính lớn hàng đầu thế giới là Ngân hàng Thế giới có những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng lũng đoạn chiếm đoạt đất đai có thể bùng nổ trong tương lai gần.
Hạ Anh