Một vài thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, đôi khi chỉ là những khác biệt nhỏ nhặt trong cách ăn uống cũng dễ dàng dẫn đến chứng táo bón ở trẻ nhỏ. Tuy tình trạng này hiếm khi kéo dài nhưng các bậc phụ huynh cũng cần chú ý chăm sóc bé cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau.
Khi trẻ có các dấu hiệu như: số lần đi ngoài thay đổi (thưa dần), khoảng cách giữa những lần đi ngoài khá xa (từ 2 ngày trở lên), phân của trẻ khô và cứng… thì con bạn đã mắc chứng táo bón. Mẹ hãy nhanh chóng vào cuộc để giúp bé khắc phục tình trạng này.
Tập thể dục nhẹ nhàng cho trẻ
Khi trẻ bị táo bón, mẹ nên khuyến khích trẻ vận động thay vì nằm yên một chỗ. Với trẻ nhỏ, hãy để bé bò, đi lại một vài vòng hoặc cho trẻ nằm và di chuyển đôi chân như thể đang đạp xe. Nếu bé đã lớn, mẹ nên cho trẻ chạy nhảy, nô đùa nhiều hơn nhằm tăng cường hoạt động của cơ thành bụng và cơ vùng hậu môn giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần massage bụng để giảm cảm giác khó chịu cho bé. Mẹ hãy dùng ba ngón tay giữa, nhẹ nhàng ấn và xoa phần bụng dưới rốn từ phải sang trái trong khoảng 3 phút. Việc massage bụng cho trẻ 3 – 4 lần/ ngày giữa 2 bữa ăn sẽ kích thích quá trình hấp thu thức ăn ở trẻ.
Đảm bảo trẻ uống đủ nước
Uống một lý nước ấm vào mỗi buổi sáng rất tốt cho đường ruột của trẻ. Trong những ngày bị táo bón, trẻ cần được cung cấp nhiều nước hơn so với thường ngày. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ uống thêm 100 – 150ml nước/ ngày bên cạnh sữa mẹ, trẻ từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300ml nước/ ngày, trẻ từ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600ml nước/ ngày, trẻ 3 – 5 tuổi uống 1.000ml nước/ ngày và trẻ trên 10 tuổi uống 1.500 – 2.000 ml nước/ ngày. Việc uống nhiều nước có tác dụng làm mềm chất thải trong ruột, giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn.
Thư giãn cùng trẻ
Táo bón thường tạo cảm giác khó chịu cho trẻ, nhất là khi bé còn quá nhỏ. Cha mẹ hãy cố gắng mang đến sự thoải mái, thư thái cho trẻ trong những ngày khó khăn này. Tránh để trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng mỗi khi đi vệ sinh vì điều này có thể khiến tình trạng táo bón kéo dài.
Mỗi ngày, trẻ cần được tắm bằng nước ấm để vừa giúp thư giãn tinh thần vừa giúp “nới lỏng” trực tràng của trẻ. Ngoài ra, hãy đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, vui chơi, hoạt động thể thao vừa đủ, giữ tinh thần thoải mái để đủ sức chống lại chứng táo bón.
Thay đổi chế độ ăn uống
Trẻ sơ sinh được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời rất hiếm khi bị chứng táo bón. Sữa mẹ thường cân bằng protein và chất béo rất tốt, do đó, phân của trẻ sẽ luôn mềm và lỏng dù trẻ không đi ngoài trong 1 – 2 ngày. Nếu mẹ cho bé sử dụng sữa ngoài hoặc đã ăn thức ăn ngoài mà trẻ bị táo bón thì mẹ cần tham khảo ngay ý kiến bác sĩ về việc thay đổi sữa, loại thức ăn ngoài phù hợp hơn cho trẻ.
Cung cấp một bữa ăn cân bằng với nhiều vitamin và chất xơ từ các loại rau củ, trái cây. Đặc biệt là một số loại rau giúp nhuận tràng tốt cho trẻ như: rau lang, mồng tơi, rau dền, các loại đậu, bông cải xanh… Thêm vào đó, khi bị táo bón, trẻ cần được cho ăn thêm các loại hoa quả giàu vitamin và chất xơ như: chuối, đu đủ, bưởi, cam, thanh long…