Tiêu huỷ lợi tai xanh tại nhà ông Lê Minh Châu, xã Hợp Thành, Triệu Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức |
Tại xã Hợp Tiến (Triệu Sơn), DTX đã xuất hiện từ ngày 24-10, tới nay vẫn chưa dập tắt được. Ông Trịnh Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tính đến ngày 29-10, toàn xã đã xuất hiện DTX tại các thôn 1, 2 và 3 của 5 hộ gia đình. Ngày 28-10, chính quyền địa phương và cán bộ thú y huyện đã tiến hành tiêu hủy 13 con lợn ốm, chết do DTX.
Ngày 29-10, ông Hà Thọ Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn khẳng định: Theo Công điện số 273/CĐ - UBND ngày 25 - 10-2010 của Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, thì xã Hợp Thành là địa phương thứ 10 trong huyện đã xuất hiện DTX.
Ông Khánh cho biết: Ngày 28-10, tại gia đình ông Lê Minh Châu, thôn Diễn Phú, xã Hợp Thành đã xuất hiện lợn ốm và chết. Cán bộ Trạm Thú y Triệu Sơn đã xuống kiểm tra và xác nhận lợn ốm, chết do DTX và tổ chức tiêu hủy số lợn chết nói trên gồm 25 con cả lợn nái và lợn thịt.
Để nắm thông tin về DTX đang bùng phát ở Triệu Sơn, chúng tôi đã đặt vấn đề với ông Lê Văn Thu- Trưởng Trạm Thú y huyện, với mong muốn tìm hiểu công tác kiểm soát, ngăn chặn, dập DTX và số lượng lợn chết trong những ngày qua, nhưng ông Thu đã trả lời rằng: "Các anh về tỉnh mà hỏi" (?!).
Vì ông Trưởng Trạm Thú y huyện Triệu Sơn từ chối tiếp xúc, trả lời báo chí, nên ngày 31-10, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Định - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa. Nhưng cũng thật kỳ lạ, ông Nguyễn Hữu Định cũng thẳng thắn trả lời: "Chúng tôi đã nắm được cả rồi, nhưng không cung cấp cho các anh đâu. Anh về xã, về huyện mà hỏi. Nếu không, các anh đi mà hỏi Sở NN&PTNT, hay UBND tỉnh"(?!)
Theo chúng tôi, tình hình DTX đã và đang bùng phát mạnh ở huyện Triệu Sơn. Thế nhưng, khi báo chí muốn nắm bắt thông tin, thì hệ thống cán bộ thú y từ tỉnh đến huyện đều thoái thác, nếu không muốn nói là bưng bít thông tin. Phải chăng, trong vấn đề xảy ra DTX thời gian qua, có phần trách nhiệm trong việc buông lỏng công tác quản lý, tiêm phòng của ngành thú y tỉnh này?
Hồng Đức