Ông Đặng Tương Phục cho biết: Thời gian qua, để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Hội đã vận động hội viên, ND dồn điền đổi thửa. Điều này thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ KHKT, cơ giới hoá...
Dồn điền đổi thửa cũng góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại với các mô hình trồng cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, các cấp Hội ND Gia Lâm cũng tích cực vận động hội viên, ND mở rộng ngành nghề truyền thống, tham gia học nghề, chuyển nghề. Điển hình là việc dạy nghề thêu ren, xây dựng chi hội nghề nghiệp ở xã Đa Tốn; nghề may mặc ở xã Ninh Hiệp; nghề may da ở xã Kiêu Kỵ...
Lãnh đạo Hội ND TP. Hà Nội, Huyện uỷ, Hội ND huyện Gia Lâm trao bò cho hộ nghèo xã Văn Đức. |
Vậy Hội đã có những hoạt động gì để hỗ trợ hội viên, ND phát triển sản xuất, thưa ông?
- Hội tập trung vào hỗ trợ ND về vốn; mua vật tư phân bón chậm trả; tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT; tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả... Hội ND huyện tiếp tục thực hiện tốt chương trình mỗi năm bàn giao 500 con bò giúp hộ nghèo từ nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn Quỹ HTND.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội ND huyện đã tổ chức bàn giao 2.501 con bò cho hộ nghèo, tương đương với số vốn 20 tỷ đồng. Từ 2005 đến nay, Hội chủ trì phát động và thực hiện Cuộc vận động “Mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hoá điển hình”. Qua cuộc vận động, đến nay đã có 90 thôn, làng, tổ dân phố có sản phẩm điển hình. Vốn huy động đầu tư cho cuộc vận động lên tới 42,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động...
Được biết, giai đoạn 2007-2012, công tác xây dựng cơ sở hội, nhất là chi hội được các cấp Hội ND trong huyện chú trọng, vì sao vậy, thưa ông?
- Chúng tôi tập trung xây dựng cơ sở hội, chi hội bởi đây là đơn vị hành động, là nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động của Hội và phong trào ND. Chi hội mạnh thì cơ sở mạnh, cơ sở mạnh thì Hội ND huyện mới mạnh. Qua đại hội cơ sở vừa qua cho thấy, trình độ học vấn, chuyên môn, chính trị của đội ngũ BCH, Ban Thường vụ, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước...
Trong nhiệm kỳ tới, vấn đề gì sẽ được Hội chú trọng để hỗ trợ hội viên, ND?
- Phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái là định hướng của huyện Gia Lâm. Đối với những địa phương còn nhiều đất nông nghiệp (chủ yếu là các xã vùng bãi), các cấp hội vận động, hỗ trợ ND chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp hàng hoá như trồng rau an toàn; cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc (bò sữa, bò thịt); chăn nuôi thuỷ sản...
Cùng với đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tạo vốn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ND. Trong sản xuất, Hội chú trọng hỗ trợ các mô hình sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đối với các địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn thì Hội vận động hội viên sử dụng hiệu quả tiền đền bù vào phát triển kinh tế; đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, chuyển nghề...
Xin cảm ơn ông!
Phương Đông