Sau 4 năm thực hiện, dự án đã giúp hàng ngàn nông dân nghèo, người dân tộc thiểu số có việc làm, từng bước thoát nghèo, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lớp học tin học tại Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. |
Tặng “cần câu” cho người nghèo
Học viên Thạch Sâm Nang, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú vừa tham gia lớp trồng trọt với kiến thức tổng hợp. Ngay sau khi học, anh áp dụng kiến thức đã học để thực hiện mô hình trồng bắp nấu, đạt hiệu quả lợi nhuận rất cao, trừ chi phí lãi được 3,5 triệu đồng/công- “điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ tôi làm được vì canh tác theo tập quán cũ, không xử lý được khi xảy ra dịch hại” - anh Nang chia sẻ.
Tỉnh Sóc Trăng có trên 3.000 nông dân như anh Nang được đào tạo nghề miễn phí với các nghề: Sửa chữa xe máy, chế biến nông sản, cắt uốn tóc, đan lát, may mặc, chăn nuôi, thú y, trồng trọt... vượt 30% so với kế hoạch ban đầu. Các học viên sau khi đào tạo nghề có trên 91% có việc làm, với mức thu nhập từ 3 – 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt có từ 5 – 10% số học viên sau khi ra trường được vay vốn tín dụng ưu đãi để mở cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua chương trình khởi nghiệp cùng vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Nhiều gia đình có con em được hỗ trợ học nghề, sau khi kết thúc khóa học có thu nhập khá ổn định. Điển hình như gia đình anh Thạch Nhịn ở huyện Vĩnh Châu có 2 con học nghề xong đi xuất khẩu lao động tại Malaysia và Nhật Bản; gia đình bà Thạch Thị Duông có 2 con và 2 cháu đi lao động Malaysia đều có thu nhập từ 5 – 9 triệu đồng/tháng.
Dự án hướng tới người nghèo
Ông Nghiêm Trọng Quý – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: "Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại ĐBSCL" là dự án hướng tới người nghèo, được tài trợ từ Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản (JFPR), thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án được thực hiện từ năm 2009 – 2012, triển khai ở các huyện Trà Cú và Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 1,65 triệu USD Mỹ. Với mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo và người dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Khmer) bằng việc trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để tìm việc làm và tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, dự án còn nhằm thí điểm cách tiếp cận mới về giảm nghèo thông qua đào tạo nghề theo nhu cầu.
Ông Nghiêm Trọng Quý
Ông Đỗ Năng Khánh – Vụ trưởng, Giám đốc Ban quản lý các Dự án Dạy nghề vốn ODA, Tổng cục Dạy nghề khẳng định kết quả bằng các chỉ số: “Chỉ tiêu đặt ra ban đầu là dạy nghề cho 4.000 người nghèo, trong đó có ít nhất 50% là phụ nữ và 50% là người dân tộc thiểu số. Kết quả là đã dạy nghề cho 5.180 người nghèo (vượt 30%), trong đó Sóc Trăng là hơn 3.000 người và Trà Vinh là 2.180 người, 91,8% số người học nghề đã tìm được sinh kế giảm nghèo và từng bước nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống”.
Các mô hình của dự án hiện đang được tổng kết để áp dụng như: Mô hình dạy nghề - việc làm gắn với doanh nghiệp; Mô hình cộng tác viên cộng đồng Mô hình tạo việc làm sau đào tạo; Mô hình hỗ trợ học viên sau đào tạo; mô hình dạy nghề - xuất khẩu lao động; Mô hình dạy nghề - tổ chức sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng mẫu lớn và Mô hình cơ sở sản xuất kinh doanh tại trung tâm dạy nghề…
Song song đó, dự án còn đào tạo, nâng cao năng lực của giáo viên các cơ sở đào tạo và cán bộ quản lý tham gia. Cụ thể, dự án đã tập huấn cho khoảng 100 lượt giáo viên hạt nhân và 150 lượt cán bộ quản lý Sở LĐTBXH, cơ sở dạy nghề và các bên có liên quan khác...
Đức Khánh