Dân Việt

Tín dụng cho HS, SV: Vẫn khó vay, khó trả

16/10/2012 07:49 GMT+7
(Dân Việt) - Nguồn vay không đáp ứng đủ nhu cầu, thủ tục rườm rà, thu hồi nợ lại rất khó khăn… Đó là những vướng mắc khiến mục tiêu “Để sinh viên nghèo có tiền theo học” khó chạm đích.

1 triệu đồng và bài toán giá cả

Ban tín dụng HS, SV (Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam) cho biết: Từ năm 2007, nguồn vốn cho vay đã được nâng lên rất nhiều, từ mức 300.000 đồng/ tháng (2007) lên đến 1 triệu đồng/tháng (2011). Tuy nhiên, mức này vẫn không thể đáp ứng nhu cầu học tập của HS, SV tại các thành phố lớn.

img
Vốn ưu đãi học sinh sinh viên là nguồn hỗ trợ nhiều sinh viên nghèo trang trải học tập (thu học phí tại ĐH Y Thái Nguyên).

Em Nguyễn Thanh Phương (sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ, Hà Nội) vay tín dụng theo chương trình này được 2 năm làm một phép tính nhanh: “Tiền trọ, ăn... mỗi tháng dù tiết kiệm cũng mất gần 3 triệu đồng. Số tiền vay được từ Quỹ HS, SV còn thấp xa so với chi phí”. Chính vì vậy, nhiều gia đình đề nghị mức vay lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh nguồn vay thấp, nhiều HS, SV và các hộ gia đình còn phản ánh, việc tiếp cận nguồn vốn vay tại địa phương rất khó khăn. Vũ Hoàng Diệu, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội phản ánh: “Em đã xin giấy xác nhận của trường mang về địa phương nhưng xã nói giấy xác nhận không đúng mẫu, quay lại trường thì trường bảo vẫn cấp theo mẫu cũ. Hiện nay đã gần hết học kỳ 1 rồi mà vẫn chưa vay được tiền”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý cũng thừa nhận, thời điểm này tại nhiều địa phương, học sinh, sinh viên vẫn chưa được vay vốn. Lý do một phần vì thay đổi mẫu xác nhận mới, địa phương và các trường không cập nhật. “Hiện, liên Bộ đã thống nhất việc tiếp tục cho trường và địa phương sử dụng mẫu giấy xác nhận cũ đến hết tháng 6.2013 để giúp các em sớm tiếp cận nguồn vốn” - ông Quý cho biết.

Phải “động viên” trả nợ

HS, SV vay được vốn đã khó nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi nợ và tìm nguồn vốn duy trì chính sách lại càng khó hơn. Ông Lò Văn Đức – Giám đốc Ban tín dụng HS, SV, Ngân hàng Chính sách Việt Nam cho biết: “Trong 5 năm triển khai chính sách tín dụng đã có hơn 35.000 tỷ đồng được giải ngân, nhưng số thu hồi nợ hàng năm không đủ để đáp ứng nguồn vốn tiếp tục cho sinh viên vay”.

Theo tính toán của Bộ Tài chính: Để cân đối cho HS, SV vay vốn này theo chu kỳ tối đa 5 năm, nguồn vốn quay vòng phải đảm bảo từ 45.000 – 50.000 tỷ đồng. Trong đó, 1/3 ngân sách do Chính phủ cấp và 2/3 được Ngân hàng chính sách huy động từ các nguồn xã hội hoá. Việc huy động phụ thuộc rất lớn vào thị trường tài chính. “Vừa qua, Bộ Tài chính đã phải ký quyết định dành 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới để có nguồn cho HS, SV vay trong kỳ I năm học 2012 – 2013 này, học kỳ II còn chưa biết huy động từ đâu” – ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết.

Ngày 15.10, tại Hà Nội, toạ đàm trực tuyến “Để sinh viên nghèo có tiền theo học” diễn ra tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GDĐT, đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Ông Ngọc Anh cũng cho hay, để tăng mức vay lên 1.500.000 đồng/tháng là hết sức khó khăn đối với việc huy động vốn và thu hồi nợ. Mặt khác, với mức vay hiện tại một gia đình có 2 con đi học, sau khi ra trường số dư nợ đã lên đến 100.000.000 đồng, đây là con số khổng lồ đối với hộ nghèo. Trong khi đó, khả năng trả nợ chỉ trông chờ con cái ra trường có công ăn việc làm.

Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá lý giải việc khó đòi nợ vì người dân vay vốn với tâm lý: Vay để con trả, và khi nào con có việc mới phải trả. “Chúng tôi đã phải đến tận nhà giải thích rõ trách nhiệm trả nợ ngân hàng phải là của cả gia đình, từ nguồn thu của gia đình chứ không chỉ trông chờ vào con”- ông Trứ nói. Ông Trứ cũng nêu thực tế tại địa phương đối tượng HS, SV ra trường chưa có công ăn việc làm rất lớn nên khó thu hồi nợ.