Dân Việt

Trí tuệ Việt trên công trình thế kỷ

17/10/2012 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Đến với Thuỷ điện Sơn La là đến với những câu chuyện về sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo; vừa rút ngắn thời gian thi công, vừa tiết kiệm và hiệu quả, an toàn; làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ USD...

Sáng tạo từ khâu thiết kế

Công trình Thuỷ điện Sơn La tuy được tiến hành thi công xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 21 này nhưng ít ai biết rằng việc định đoạt xây dựng Thuỷ điện Sơn La tại huyện Mường La đã được tiến hành từ gần 30 năm trước. Các đoàn khảo sát, thiết kế đã lặn lội sang tận đất Trung Quốc-nơi thượng nguồn con sông Đà để đi đến quyết định lựa chọn điểm Pá Vinh-Tạ Bú làm nơi xây dựng nhà máy. Nơi đây là địa bàn lý tưởng về độ an toàn cho thuỷ điện với cốt ngập 218m cả về mặt tích nước, địa chấn và an ninh quốc phòng.

img
Công nghệ bê tông đầm lăn đã tạo nên kỳ tích về tiến độ và khối lượng trong xây dựng thuỷ điện tại Việt Nam.

Sau cả chục năm trời lặn lội, nghiên cứu, tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm… một phương án xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đã được thực hiện theo cơ chế đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á cả về số vốn đầu tư, về tính hiện đại, về thời gian thi công ngắn và đặc biệt là thiết kế, thi công đều do ta làm ra.

Theo đó, toàn bộ thiết kế kỹ thuật (TKKT) xây dựng nhà máy được chia làm 3 giai đoạn: TKKT các công trình dẫn dòng; TKKT giai đoạn 1; TKKT giai đoạn 2. Ngay trong thiết kế này đã thể hiện tính sáng tạo mạnh mẽ bởi nó cho phép chủ đầu tư và các nhà thầu bứt phá đi trước trong việc tiến hành thiết kế và thi công sớm các công trình dẫn dòng và sớm tiến hành đào móng các công trình chính ngay từ khi chưa hoàn chỉnh phê duyệt TKKT.

Trong quá trình thi công xây dựng nhà máy, nhiều điều chỉnh khác trong thiết kế kỹ thuật đã trở thành những phương án "lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam", làm lợi cho Nhà nước và doanh nghiệp cả ngàn tỷ đồng và tăng thêm độ an toàn, hiệu quả cho nhà máy khi đi vào hoạt động: "Bố trí cống dẫn dòng kiệt tại vị trí của tường bê tông trọng lực, thay thế tường này làm công trình ngăn các kênh dẫn dòng với hố móng lòng sông"; đề xuất "Thay biện pháp đổ bê tông đập dâng bằng công nghệ đầm lăn với phụ gia khoáng là tro bay của nhiệt điện Phả Lại được tuyển chọn lại"; đề xuất thay phương án nhà máy 8 tổ máy (8 x 300MW) bằng phương án nhà máy 6 tổ máy (6 x 400MW); thay phương án máy biến áp 1 pha bằng máy biến áp 3 pha… Nói như ông Vũ Tiên Lãng - Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty Sông Đà - nhà thầu xây dựng chính của công trình này, không kể hết bao nhiêu trí tuệ Việt đã dồn về cho công trình thế kỷ này...

Một quyết định táo bạo

Trong muôn ngàn sáng tạo đầy tính trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và mở hướng tương lai cho các doanh nghiệp, doanh nhân, kỹ sư, công nhân trên công trường Thuỷ điện Sơn La thì câu chuyện về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện là Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - chủ đầu tư xây dựng nhà máy đã lựa chọn Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Hà Nam) làm đối tác chế tạo và cung ứng siêu cần cẩu cho nhà máy được nhiều người biết đến.

Chàng thanh niên trẻ lái máy cẩu tháp Chu Xuân Hà của Công ty Sông Đà 5, tâm sự: Ở Việt Nam chưa ai dám nghĩ tới chuyện chế tạo cần cẩu có trọng lượng cầu tới ngàn tấn. Vậy mà chủ đầu tư ở công trường này đã dám chấp nhận đề xuất của ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung về sử dụng cần cẩu tải trọng lớn của ông ấy vào sản xuất.

Ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung: Tuy đã nhiều năm trực tiếp nghiên cứu, chế tạo các loại cẩu lớn cho Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chế tạo loại cần cẩu tới 1.200 tấn mà lại sử dụng hầu hết nguyên liệu Việt Nam.

Với những chiếc cẩu này, công trường Thuỷ điện Sơn La đã thi công an toàn, chính xác và tiện lợi nhiều. Đặc biệt nhất là việc quyết định sử dụng "cầu trục chân què" để tiến hành "thử khô" cửa van sự cố cửa xả sâu của công trình xả lũ vận hành và cửa van sửa chữa, lưới chắn rác của cửa nhận nước từ khi các công trình này còn đang xây dựng dở dang ở cao độ thấp…

Ông Nguyễn Tăng Cường tâm sự: Tuy đã nhiều năm trực tiếp nghiên cứu, chế tạo các loại cẩu lớn cho Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chế tạo loại cần cẩu tới 1.200 tấn mà lại sử dụng hầu hết nguyên liệu Việt Nam. Điều vui nhất là chúng tôi đã thành công, công nghiệp chế tạo cần cẩu siêu trọng của Việt Nam đã thành công ở cơ khí Quang Trung này…

Thực tế, khi mới đưa ra đề xuất về chiếc cẩu này đã vấp phải không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân; trong đó có cả những can ngăn, nghi ngờ khả năng thành công của bạn bè, đồng nghiệp. "Nhưng ông ấy đã thành công và thành công rực rỡ. Đó là chiếc cần cẩu hiện đại nhất Việt Nam được ứng dụng công nghệ điều khiển qua vệ tinh và sự phối hợp giữa cơ điện tử tiên tiến mà trên thế giới chưa có nước nào áp dụng công nghệ này vào lắp đặt cần cẩu. Những sáng tạo rất hiện đại mà đầy chất Việt Nam đó đã góp phần làm nên thành công chưa từng có trên công trường Thuỷ điện Sơn La cũng như với các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, kỹ sư tham gia xây dựng công trình thời đại này" - ông Lăng tâm sự.

Kỳ cuối: Nơi tình yêu đơm hoa kết trái