Vào lúc 14 giờ 19 phút hôm qua (22.5) đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV khiến 22 tỉnh miền Nam, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, 13 tỉnh ĐBSCL, 8 tỉnh Đông Nam bộ bị mất điện. Đây là lần đầu tiên xảy ra mất điện nghiêm trọng như vậy.
Sự cố mất điện nói trên xảy ra trong hơn 2 giờ đồng hồ. Đến 16 giờ 30 phút chiều qua ngành điện đã cơ bản khắc phục được sự cố và đến tối qua, 22 tỉnh phía Nam đã có điện trở lại.
Người dân TP. Hồ Chí Minh trốn nóng ở công viên do sự cố mất điện ngày 22.5. |
Giao thông hỗn loạn
Sư cố mất điện đã xảy ra trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, khiến hoạt động của nhiều cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn bị ngưng trệ. Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình giao thông TP. Hồ Chí Minh rơi vào hỗn loạn cục bộ, nhất là ở những giao lộ lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Pasteur...
Máy phát điện cháy, học sinh hoảng loạn
Do ảnh hưởng từ sự mất điện, toàn thành phố Vũng Tàu bị cúp điện và Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng Nhỏ (246 Ba Cu, P.3, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đem máy phát điện ra sử dụng. Tuy nhiên, máy phát điện cháy làm nhiều học sinh hoảng hốt. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 15 giờ 50 phút cùng ngày. Khi phát hiện ra đám cháy, những người dân xung quanh đã xông vào trường mầm non đưa các học sinh ra lánh nạn. Đến 16 giờ cùng ngày đám cháy được khống chế. TN
Nhiều phiên tòa đã lên lịch xử các vụ án vào chiều 22.5 đã phải hoãn lại. Nhiều nhà hàng, cửa hàng kinh doanh phải ngưng hoạt động. Hàng loạt nhà máy cấp nước như BOO Thủ Đức, Nhà máy Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Tân Hiệp... cũng phải ngưng hoạt động trong khoảng một tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân thành phố.
Trên đường Trường Chinh, từ An Sương vào trung tâm thành phố, nhiều xe máy xếp hàng dài gần 4km. Ngay tại đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình), xe cộ gần như đứng im. Nhiều người phải lái xe lên vỉa vè khiến giao thông hỗn loạn.
Chị Nguyễn Thị Minh- một người dân ở quận Tân Bình cho biết: “Ở TP.Hồ Chí Minh thỉnh thoảng cũng mất điện nhưng mất điện đồng loạt như lần này thì đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến.
Do đèn đỏ mất tín hiệu, từ chỗ làm về nhà chỉ 2km mà tôi đi 30 phút vẫn chưa về tới”. Do cúp điện xảy ra vào thời điểm nắng nóng oi bức nên nhiều người đã đổ xô ra đường hóng mát; nhiều người khác dùng bất cứ vật gì có thể làm mát như quạt giấy, báo… để xua bớt cái nóng.
Đặc biệt, ở khu vực trung tâm thành phố, rất đông nhân viên văn phòng đã nhốn nháo đổ xuống đường. Một nhân viên làm việc tại đường Lý Tự Trọng, quận 1 cho biết do cúp điện, máy phát điện không chạy nổi hệ thống điều hòa nên rất nóng, nhiều người phải bỏ chỗ làm việc ùa ra đường.
Sản xuất bị ảnh hưởng
Tại An Giang, do sự cố mất điện xảy ra đột ngột khiến nhiều cơ quan, công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Ông Đoàn Văn Phóng - chủ cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi, ấp Phú Nhất (xã An Phú, huyện Tịnh Biên), cho biết:
Việc đột ngột mất điện đã khiến gần 20 công nhân của cơ sở phải nghỉ việc, lượng đường thốt nốt đang nấu dở có nguy cơ bị hỏng. “Tính sơ sơ thiệt hại về hàng hóa và tiền công lao động vẫn phải trả lương nhưng không làm việc khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, điều tôi lo nhất là nếu mất điện kéo dài thì sẽ không làm kịp lượng đường giao cho đối tác”- ông Phóng nói.
Tình trạng mất điện đột ngột cũng khiến sản xuất của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng. Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.Hồ Chí Minh) cho hay sự cố mất điện không ảnh hưởng đến mặt hàng trứng gia cầm mà công ty đang sản xuất. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu chạy máy phát điện cao gấp 10 lần so với khi có điện.
Còn ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Thủy hải sản Sài Gòn chia sẻ, sự cố mất điện như vừa qua khiến doanh nghiệp bị động trong sản xuất mà còn làm đội chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. "Hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nay thêm sự cố mất điện lại càng đẩy doanh nghiệp vào khó khăn" - ông Dũng nói.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã chính thức công bố: Sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. EVN đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho HTĐ miền Nam.
Vào lúc 15 giờ 54 cùng ngày, EVN đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục HTĐ miền Nam. EVN đã xin lỗi về sự cố đã xảy ra và mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của khách hàng sử dụng điện, của chính quyền và nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng do mất điện.
Trước đó, EVN đã cảnh báo khó khăn cho điện miền Nam khi thời tiết nắng nóng gay gắt. EVN khẳng định: Việc cung ứng điện cho khu vực miền Nam sẽ rất khó khăn do lưới truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu. Từ đầu tháng 5, EVN cũng liên tục cảnh bảo tình trạng thiếu điện do thiếu nước. Khi nắng nóng gay gắt những ngày qua, EVN đã phải liên tục chạy nguồn điện giá cao.
Thời điểm này cho đến hết tháng 6 sẽ là thời gian cao điểm về tiêu thụ điện, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam. Trong khi đó, nguồn thủy điện lại bị ảnh hưởng do nước cạn. Hệ quả từ việc khô hạn và thiếu nước hiện nay là nguồn phát thủy điện liên tục bị căng thẳng, mức dự phòng điện rất thấp, đe dọa trực tiếp đến việc đảm bảo đủ điện, đặc biệt cho miền Nam cho đến hết tháng 6 tới.
Để đảm bảo điện cho tháng cao điểm tới và đặc biệt là cung cấp điện cho miền Nam, ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết, đã chỉ đạo 3 tập đoàn lớn EVN, PVN, Vinacomin có kế hoạch bảo dưỡng, vận hành hợp lý các tổ máy phát điện, đảm bảo cung cấp nhiên liệu sơ cấp đầy đủ và liên tục cung ứng điện cho toàn hệ thống một cách tối đa để không phải thực hiện tiết giảm điện.
Mai Hương
Nhóm phóng viên thời sự