Đó là nội dung chính được bàn luận tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), ngày 26-11, tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Khôi Nguyên - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam, Chủ tịch MRC 2010-2011 nhấn mạnh, vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt việc xâm nhập mặn và nước biển dâng, cùng với việc xây quá nhiều đập thủy điện trên sông Mekong không chỉ tác động đến các ngành nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự mưu sinh của hàng trăm triệu dân. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của MRC là phải hợp tác tìm kiếm các giải pháp bảo vệ con sông này, từ quy hoạch thủy điện đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các thành viên MRC ký kết văn bản Thủ tục chất lượng nước. |
Ông Lim Kean Hor - Bộ trưởng Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước có sông Mekong chảy qua, đã dẫn đến việc sử dụng nguồn tài nguyên của lưu vực con sông này không bền vững và không kiểm soát được. Do đó, các nước thành viên của MRC phải cùng nhau bàn và thực hiện ngay cách khai thác dòng Mekong sao cho có lợi nhất, cả về kinh tế lẫn môi trường.
Ông Suwit Khunkiti - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Thái Lan phát biểu: "Chúng tôi rất quan ngại về việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện tại các nước thượng nguồn sông Mekong. Điều này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước có liên quan, xóa đi các di sản văn hóa, lấy đi nguồn dinh dưỡng nuôi sống người dân".
Phiên họp lần thứ 17 của MRC đã thông qua các văn kiện quan trọng, như Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Kế hoạch làm việc 2011-2015 của MRC. Đặc biệt, các thành viên MRC đã ký kết chính thức văn bản "Thủ tục chất lượng nước". Văn bản này là bước tiến quan trọng trong nỗ lực đảm bảo chất lượng nước và ứng phó kịp thời với các rủi ro liên quan đến lưu vực sông Mekong.
Đình Thức - M.P