Đã bước qua tuổi bát tuần rồi mà sắc diện bà vẫn hồng hào, tác phong còn rất hoạt, rất gọn và giọng nói thật sôi nổi. Hồi ức của bà đang hướng về cái thuở xuân sắc 50 năm trước. Bà là Nguyễn Thị Mẫn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Diễn những năm 60-70 của thế kỷ 20.
Bà Mẫn (tóc trắng) và những người bạn bên bàn thờ Bác Hồ tại xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). |
Cánh đồng Bác Hồ đặt tên
Ấy là năm 1961. Ngoài trọng trách Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà Mẫn còn kiêm nhiệm chức đội trưởng sản xuất Kiều Mai của HTX Phú Diễn. Một buổi chiều tháng 9 vừa đi thăm đồng về, bà được Chủ nhiệm HTX thông báo ngày mai có đoàn cán bộ Trung ương về gặt lúa giúp dân. Bà hỏi lại chủ nhiệm: "Có đông không?". Chủ nhiệm HTX thủng thẳng: "Chỉ có vài chục người nên đội của bà do nữ lãnh đạo duy nhất của HTX được ưu tiên số một".
Dạo ấy đất lúa 2 vụ ở Phú Diễn quê bà nhiều lắm, chả nhớ cụ thể là bao nhiêu mà năng suất lại cao. Vào vụ gặt, huyện phải huy động các cơ quan đóng trên địa bàn cử cán bộ về gặt giúp. Có hôm lực lượng trợ giúp đông đến mức mỗi đội được phân bổ những bốn năm chục người. Nếu không có lực lượng gặt giúp, lúa sẽ chín rũ rụng vàng ruộng. Thế mà đợt này sao lại ít chỉ có vài chục người? Thắc mắc của bà Mẫn càng rõ hơn khi thấy cán bộ cúi xuống gặt toàn giắt… súng lục. Đến lúc Bác Hồ xuất hiện ở đầu bờ, bà chợt hiểu: Đoàn cán bộ chính là lính tiền trạm và bảo vệ của Bác.
Vừa lội xuống ruộng Bác vừa hỏi mọi người: "Ruộng ta trồng giống gì mà lúa tốt thế này hở các cô các chú?". Có ai đó trả lời: "Thưa Bác là giống lúa Q5 đấy ạ!". Xem mấy bông lúa, Bác hỏi: "Năng suất đạt mấy tạ một sào?". "Thưa Bác đạt gần 3 tạ một sào ạ!". Bác cười rất vui: "Thế thì nông dân Thủ đô ta giỏi hơn cả nông dân Thái Bình rồi đấy!". Bác quay sang hỏi một cán bộ địa phương: "Cánh đồng này tên gì?". Đồng chí cán bộ thưa: "Dạ tên gọi là đồng Cánh Buồm ạ". "Bác đề nghị thế này, Cánh Buồm đạt năng suất gần 10 tấn/ha, từ nay ta gọi là "Cánh đồng Mười tấn" để phấn đấu đạt và vượt trên mười tấn. Các cô các chú có đồng ý không nào?". Tất cả mọi người rào rào đáp lời Bác: "Đồng ý, đồng ý ạ!".
Bà Mẫn và các xã viên HTX Phú Diễn bên giếng nước nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nông dân trong xã. |
Đúng lúc ấy, có ai đó kêu lên "Đỉa đang cắn chân Bác!". Bà Hồng và bà Đan, lúc ấy mới là hai cô bé 10 tuổi đi gặt giúp cha mẹ, đứng gần Bác nhất đã nhanh tay bắt con đỉa bám vào chân Bác. Vì nhanh chân hai bà va vào nhau xuýt ngã. Bác xoa đầu các cháu khen: "Các cháu giỏi lắm. Nhưng lần sau không phải vội như thế, nó bú no rồi khắc nhả ra thôi". Bà con trên ruộng bảo nhau: "Bác làm Chủ tịch nước mà giản dị chả khác gì nông dân!".
Khắc ghi lời Bác
Bà Mẫn còn nhớ, bữa ấy Bác hỏi bà Bê, một thợ gặt đứng ở gần Bác: "Cô được mấy cháu? Thóc HTX chia có đủ ăn không?". Một cán bộ nữ trả lời thay, thưa Bác, được 3 cháu, thóc HTX chia cũng được vừa đủ ăn, liền bị Bác nhắc nhở: "Cô là cán bộ, Bác không hỏi cô. Bác hỏi cô này kia mà!". Bà Bê nhắc lại câu trả lời trên. Bác bảo: "Thế là tốt, các cô chú cố gắng sản xuất để không chỉ đủ ăn mà còn phải có thóc dư để cải thiện đời sống cho gia đình và kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Các cô, các chú có đồng ý không nào?". Một cán bộ xã đáp lại: "Thưa Bác chúng cháu sẽ cố gắng làm theo ý Bác ạ!".
Bà Mẫn và bằng chứng nhận Huân chương Kháng chiến. |
Năm, sáu năm sau vào khoảng năm 1966, 1967 gì đó (bà Mẫn không nhớ chính xác lắm), Bác còn về Phú Diễn một lần nữa. Đó là khi Phú Diễn dẫn đầu huyện Từ Liêm trong phong trào thi đua.
"Thóc không thiếu một cân - quân không thiếu một người". Lần này, Bác trồng tặng Đảng bộ và nhân dân Phú Diễn một cây đa và không quên nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Diễn cố gắng phát huy phong trào này để nước ta nhanh thắng Mỹ, Bắc Nam sớm sum họp một nhà.
Câu chuyện gặp Bác trên cách đồng 10 tấn đến đây ngỡ đã hết, không ngờ bà Mẫn lại níu chúng tôi lại và "tặng các nhà báo" một cái kết rất đáng phải suy nghĩ: "Các chú có biết không? Sau cái lần Bác Hồ về thăm Phú Diễn lần đầu ấy, khi họp đội sản xuất, bà Bê đã bị phê bình kịch liệt đấy.
Rằng là vì thóc gạo lúc đó còn chưa đủ ăn, mà dám nói là "Thóc HTX chia cũng vừa đủ ăn ạ!". Thế có phải là nông dân nói dối lãnh tụ không? Các chú có biết là bà Bê đã trả lời thế nào không? Bà ấy bảo: "Thóc chia ăn ba bữa thì đói, còn chia hai bữa thì thừa. Thế thì không phải nói dối rồi. Mà cứ cho là nói dối đi chăng nữa, là nói dối để cho Bác yên lòng, chứ có phải là nói dối để gian lận gì đâu! Bà Bê nói thật nói thẳng như vậy, nghe có lọt tai không hở chú nhà báo?...
Minh Tâm