Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. |
Nghị quyết 26 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X thông qua tại Hội nghị T.Ư 7, năm 2008. Đây là nghị quyết rất quan trọng đối với một đất nước vẫn còn 70% dân số sống ở nông thôn, 56% lao động làm trong nông nghiệp, Chủ tịch nước có thể đánh giá về những thành tựu, những chuyển biến ở nông thôn, nông nghiệp và đời sống nông dân sau 2 năm thực hiện nghị quyết?
- Nghị quyết 26 ra đời đúng lúc và rất trúng. Nông dân của mình là chủ lực quân của cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, nông dân là chủ lực vì bộ đội đánh giặc đa phần là nông dân, tài sản ruộng vườn công hiến cho cách mạng phần nhiều cũng từ nông dân. Sự đóng góp của nông dân là rất to lớn. Từ khi có Nghị quyết này đến nay, các cấp, các ngành đã có những chuyển biến tích cực, trước hết là trong sản xuất với mức tăng trưởng năm nay là 5-6%. Việt Nam bây giờ hoàn toàn có thể tự hào về lĩnh vực nông nghiệp với sản lượng lương thực xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn. Các sản phẩm khác như cá tra, cá basa mặc dù có đôi lúc gặp khó khăn, gian nan nhưng cũng đã vượt qua. Sau mỗi lần vượt qua như thế, giá lại tăng, thương hiệu nổi lên và vững chắc thêm.
Nông nghiệp đã góp phần đưa kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng. Ảnh Mecofood |
Sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản nói chung là phát triển. Đời sống nông dân khá hơn, đường sá nông thôn nhiều nơi đã tốt hơn, giáo dục, y tế được chăm lo hơn, xoá đói giảm nghèo chủ yếu cũng trong khu vực này… Cho nên nhìn toàn diện là tiến bộ. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nếu nông nghiệp không vững thì sẽ không thể có được thành quả như hôm nay, đúng là phi nông sẽ bất ổn.
Việt Nam từ nhiều năm đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới, thành tích xóa đói giảm nghèo cũng được quốc tế đánh giá cao, nhưng tỉ lệ hộ đói nghèo, chủ yếu là ở nông thôn, miền núi vẫn cao. Chủ tịch có cho rằng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp, còn chưa tương xứng với thành tựu mà nông dân đã tạo ra và ở nhiều nơi người dân vẫn chưa được hưởng lợi các chính sách phát triển kinh tế?
- Tôi cho rằng việc này phải thực hiện từng bước. Ruộng đất mình manh mún, có những nơi muốn tích tụ cũng không được vì rẻo này, rẻo nọ, muốn gom cũng khó. Trước mắt do nền sản xuất còn tiểu thủ công, chúng ta phải chấp nhận. Sau này muốn đi lên sản xuất lớn thì nhất định phải thay đổi.
- Do điều kiện và hoàn cảnh, những gì bù lại cho nông dân thực sự chưa tương xứng. Ở vùng sâu vùng xa, cái gì cũng đến chậm hơn, từ chăm sóc sức khỏe, y tế đến trường học, đường sá… tất cả đều chậm hơn. Tuy nhiên, để đầu tư cho lĩnh vực này trước hết phải bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm. Những việc này đã và đang được triển khai, có điều phải làm dài hạn vì mình vốn ít. Nói đến đầu tư phải có số vốn lớn mà đất nước còn bao nhiêu việc phải làm cho nên khó có thể cầu toàn ngay được. Phải làm sao để không chỉ có đầu tư của Nhà nước, mà quan trọng hơn là các chính sách như thế nào để thu hút các nguồn lực khác vào đầu tư. Đó mới là phát huy sức mạnh tổng lực.
Nhiều đánh giá cho rằng nông thôn sau 2 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, đói nghèo đã giảm bớt, nhưng vẫn tồn tại những trì trệ của chính nông thôn: Quy hoạch lộn xộn, môi trường bị huỷ hoại, đời sống nông dân còn ở mức thấp, khoảng cách giàu, nghèo ngày càng cách xa. Phải chăng là nông thôn phải hy sinh vì mục tiêu phát triển kinh tế chung? Và điều này sẽ được giải quyết trong thời gian tới như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn. Các bộ ban ngành phải ngồi lại, lắng nghe tiếng nói của người dân và trên cơ sở thực tiễn để đề xuất các giải pháp. Chẳng hạn như miễn giảm thuế nông nghiệp cũng là một chính sách để bồi dưỡng sức mạnh cho nông dân. Phải biết hàng hóa của nông dân xuất khẩu gặp khó khăn làm sao, tổ chức sản xuất không tốt hay là cách tiếp thị của mình chưa ổn? Tóm lại, phải sâu sát thực tiễn lắng nghe để từ đó có giải pháp… Nói chung về tư tưởng ý thức đã có những chuyển biến nhất định nhưng việc làm thì còn hạn chế. Tôi mong báo chí thường xuyên tiếp xúc với nông dân, một mặt hoan nghênh những kết quả tích cực, góp ý, phê bình những cái chưa được, đồng thời phải đề xuất, chỉ ra cái gì cần làm, cái gì phải làm mà lại chưa làm…
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Hương Thủy (thực hiện)