Đây là dấu mốc lớn trong lịch sử của Đảng, cũng là lịch sử hiện đại của dân tộc.
Đại hội Đảng XI đã bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH sau 20 năm thực hiện; tổng kết Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2000-2010) và xác định Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm tới với mục tiêu tổng quát là xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội là sự đáp ứng và cụ thể hoá khát vọng của hàng triệu con người Việt Nam từ ngàn đời, đưa đất nước ra khỏi danh sách những nước nghèo và lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp hoá, dân chưa thật giàu nhưng no đủ, an sinh cơ bản được bảo đảm, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Người dân kỳ vọng nhiều vào những đổi thay của đất nước sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI. |
Bản lĩnh người cộng sản
Nhớ lại vài chục năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, một kỳ tích chói lọi bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Nhưng cũng vào thời điểm đó, chúng ta ở trong tình trạng đói nghèo, kiệt quệ bậc nhất thế giới, trình độ sản xuất lạc hậu.
Đói nghèo, kiệt quệ lại khủng hoảng triền miên do bị cấm vận, do phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô tan rã, do những khuyết điểm chủ quan, khiến chế độ chính trị đứng trước những thử thách to lớn, lòng dân không yên. Đất nước nông nghiệp mà thiếu lương thực. Hàng triệu người đứt bữa, hàng chục vạn người đói...
Trước những khó khăn gay gắt đó, với bản lĩnh của người cộng sản, Đảng ta kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật, khởi sướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lấy xây dựng Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng làm nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế làm trung tâm.
Manh nha từ Đại hội V, trở thành đường lối của Đảng từ Đại hội VI, công cuộc đổi mới ngày càng đi vào cuộc sống, chiến thắng áp đảo các xu hướng tư tưởng giáo điều, thủ cựu, trở thành một cao trào cách mạng cuốn phăng mọi trở ngại, đưa nước ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam từ chỗ thuộc danh sách những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình 1.100USD/năm; cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể; dự trữ quốc gia trên 100 tỷ USD; xuất khẩu trên 76 tỷ USD/năm…
Việt Nam cũng hoàn thành trước thời hạn 5/8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Trên trường quốc tế, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức WTO; đảm nhận tốt vai trò thành viên luân phiên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN...
Tiếng nói của Việt Nam ngày càng có uy tín và trọng lượng hơn trước thế giới. Những thành tựu đó không chỉ thể hiện đường lối của Đảng là đúng đắn, sát với thực tế, mà còn chứng tỏ lòng tin vào Đảng, sức mạnh đoàn kết xung quanh Đảng đã tạo động lực để chúng ta luôn luôn thực hiện xuất sắc mục tiêu cơ bản các kỳ Đại hội của Đảng đề ra.
Khát vọng vươn lên
Kết quả to lớn đạt được sau 25 năm đổi mới đã tạo tiền đề cho việc đề ra chiến lược trong 10 năm tới, nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Đại hội XI. Để đạt được mục tiêu đó, nước ta phải duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 7% đến 8% một cách vững chắc để đến năm 2020 GDP sẽ bằng 2,2 lần năm 2010 theo giá so sánh, GDP theo đầu người đạt 3.000 đến 3.200 USD/năm.
Một trong những vấn đề có tính quyết định của thời kỳ công nghiệp hóa đất nước là hoàn thành thắng lợi công nghiệp hóa nông thôn. Nông thôn cho đến hiện nay chiếm diện tích 80% đất đai, hơn 70% dân số, có vai trò quyết định về an ninh lương thực, nguồn lao động, văn hóa -xã hội, an ninh chính trị… của đất nước.
Từ khi đất nước đổi mới, đời sống của nông dân cả về vật chất và tinh thần đã được nâng lên một mức đáng kể,bộ mặt nông thôn đã chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với mức phát triển chung, nông dân vẫn là giai cấp chịu nhiều thiệt thòi.
Tình trạng đất đai bị thu hẹp diễn ra nhanh, chỉ trong vòng 10 năm đã có 350.000ha đất lúa bị chuyển sang mục đích khác. Hố ngăn cách giàu nghèo tiếp tục doãng rộng. Các dịch vụ y tế, nước sạch, bảo hiểm, văn hóa… chưa thể bằng các khu vực khác.
Chính vì lý do đó, muốn công nghiệp hóa thắng lợi trên phạm vi toàn quốc, trước hết công nghiệp hóa phải thắng lợi ở nông thôn. Muốn nâng cao mức sống của toàn dân, trước hết phải nâng cao được mức sống ở nông thôn. Chính vì điều đó, Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm tới đã xác định sẽ đô thị hóa 45% diện tích và dân số nước ta, lao động nông nghiệp chỉ còn 30% lao động trong xã hội; một nửa số xã trong toàn quốc đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo tiêu chuẩn của Chính phủ đề ra.
Thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đó không đơn giản và dễ dàng. Để theo kịp mức trung bình của thế giới, chúng ta cần tăng tốc gấp 9 lần, muốn bằng mức trung bình của các nước trong khu vực, chúng ta phải tăng tốc gấp 4 lần hiện nay, trong điều kiện thuận lợi và không có trở ngại đột xuất.
Nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc khó nếu có đường lối đúng, có sự đồng lòng của cả dân tộc. Một mục tiêu rất lớn, thay đổi cả diện mạo và vị thế đất nước đã được Đảng đặt ra từ mùa xuân này, mùa xuân chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI, chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng.
Với niềm tin có căn cứ khoa học và bằng dự cảm của gần 90 triệu trái tim, chúng ta chắc chắn sự nghiệp đó sẽ thành công.
PGS. TS Vũ Duy thông