Về việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, từ nhiều năm nay Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất đúng đắn là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Qua đó tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, nhưng chưa được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trái lại ở một số nơi đã cố níu bám mô hình khép kín ấy để hình thành các nhóm lợi ích, để bảo vệ quyền lợi riêng của mình họ đã tìm mọi cách cản trở tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung. Tổng vay nợ có thể lên đến con số 120 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi công dân Việt Nam phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng.
Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản nhà nước của Chính phủ, các bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế.
Bởi Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỷ đôla trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện cho họ mang tiền nhà nước đi tung hoành khắp đó đây, thành lập đến 200 công ty con, công ty cháu. Còn nhớ cách đây mấy năm, có thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã giải trình, tiền cấp cho người ta rồi, người ta muốn làm gì tùy họ, mình quản sao được. Và hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu.
Tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban Lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác mình làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng đoạn nhà nước.
Lê Văn Cuông (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa)