Đóng hộp trái bần tại cơ sở của chị Cúc. |
Sáng tạo món ăn dân dã
Hơn nửa đời người sống với cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP.Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), chị Võ Thị Cúc từng hái bần nấu canh chua làm thức ăn cho chồng và đồng đội bám trụ ngoài bờ sông phục tàu giặc trong thời kỳ chống Mỹ.
Khi tỉnh Trà Vinh khai thác cù lao Long Trị làm điểm du lịch sinh thái, chị Cúc mở quán ăn nhỏ, dùng trái bần nấu lẩu chua với cá bông lau, cá ngác…“Thấy du khách ăn ngon lành món ăn dân dã này tôi nghĩ ngay tới việc phải chế biến trái bần để dành mùa bần chưa ra trái có nguyên liệu chế biến canh chua”- chị Cúc tâm sự.
Từ ý tưởng này, chị cùng chồng và các con hái trái chín đưa về rửa sạch, chà nhuyễn, sấy khô đóng vào hũ bảo quản. Trong lúc sấy, thấy bột bần có mùi thơm dịu mát chị lấy đường khuấy làm nước giải khát uống rất ngon, chị lại nghĩ tới chế biến kẹo, mứt từ bột bần.
Hơn thế, chị Cúc còn “đột phá” làm thử nước mắm bột bần và rất thành công. Sau đó, chị mạnh dạn mở cơ sở chế biến thủ công mang tên “Thủy Tiên”. Sản phẩm tạo ra chị tự đem đi bỏ mối cho các đại lý trong tỉnh chào hàng và thăm dò khẩu vị người tiêu dùng.
Thành công nhờ được tiếp sức
NTNN số 12 đã đưa tin về việc học nghề, hỗ trợ sản xuất trái bần của chị Cúc, nhiều nông dân đã hỏi cách gây dựng cơ sở. Chị Cúc thẳng thắn chia sẻ: Nhằm hỗ trợ cơ sở chế biến trái bần “Thủy Tiên”, năm 2009, phòng Kinh tế TP.Trà Vinh hỗ trợ chị xây dựng Đề án “Kỹ thuật sản xuất bột bần, mứt bần từ trái bần”. Đề án nhanh chóng được Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương Trà Vinh hỗ trợ lắp đặt các thiết bị để chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất theo giải pháp công nghệ tiên tiến.
“Nhờ có máy móc nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm”- bà Dương Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Kinh tế TP.Trà Vinh nói: “Từ khi có máy móc và thiết bị của chương trình khuyến công hỗ trợ, năng lực sản xuất của cơ sở “Thủy Tiên” cũng tăng 10 lần so với trước đây. Nhờ đó đã tạo việc làm ổn định cho 10- 15 lao động tại chỗ, giúp một bộ phận nông dân ở Trà Vinh có thêm thu nhập nhờ hái bần bán cho cơ sở với giá 4.000 đồng/kg”.
Nói về chất lượng của những sản phẩm chế biến từ trái bần, chị Cúc khẳng định: “Các sản phẩm của Thủy Tiên được tặng Huy chương vàng tại Hội chợ Nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Kẹo, mứt, bột nấu lẩu từ nguyên liệu trái bần không chỉ bày bán tại nhiều siêu thị ở ĐBSCL và TP.HCM mà còn có mặt tại Đức, Canada; Campuchia… ”.
Khuynh Diệp