Dân Việt

Suy nghĩ đầu năm của các nhà nông tỷ phú

03/02/2011 13:04 GMT+7
(Dân Việt) - Tiễn năm Canh Dần, đón năm Tân Mão, các tỷ phú nông dân chia sẻ những gì đã làm được trong năm qua và dự định trong năm tới...

Anh Phạm Văn Tỉnh - Giám đốc Công ty TNHH An Phát (thôn 6, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa): Đã liên kết được “các nhà”

img
Anh Phạm Văn Tỉnh.

Là một cử nhân sư phạm thuộc thế hệ 8X nhưng tôi lại gắn với nông nghiệp như có duyên tiền định. Khởi nghiệp đầu năm 2008 với 50 triệu đồng từ việc bán bộ máy vi tính bố mẹ cho và vay mượn thêm, tôi dành toàn bộ hy vọng vào khu chuồng trại nuôi giun quế.

Đến nay, Công ty TNHH và dịch vụ Nông nghiệp An Phát của tôi đã dần khẳng định được vị thế của mình với tổng diện tích nuôi giun cung ứng là 3.000m2, thu từ 45 - 50 tấn giun/năm, giá bán trung bình 28.000 đồng/kg giun, 1.000 đồng/kg phân giun, doanh thu hàng năm không dưới 2 tỷ đồng.

Thành công lớn nhất của Công ty chúng tôi thời gian qua là phối hợp với Hội ND tạo dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp với ND. Công ty cung cấp giống, kỹ thuật và hỗ trợ một phần vốn, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm giun thương phẩm và phân giun cho ND. Ngoài diện tích của mình, hiện chúng tôi còn có mạng lưới nuôi giun quế với trên 50 hộ trên địa bàn Thanh Hóa và các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An.

Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh quy mô liên kết với các hộ ND trong và ngoài tỉnh, mở thêm một số đại lý ở các địa bàn xa. Tôi tin tưởng với những gì chúng tôi đã làm được, Công ty TNHH An Phát không chỉ mở rộng thị trường trong Nam ngoài Bắc mà ý tưởng tạo liên kết “4 nhà” trong việc sản xuất dược liệu từ giun quế của tôi sẽ trở thành hiện thực.

Ông A Nhái (thôn Đăk Dền, xã Đăk Pet, Đăk Glei, Kon Tum): “Thương núi rừng như thương mình”

img
Vợ chồng tỷ phú nông dân A Nhái.

Ở thôn Đăk Dền mình được coi là "địa chủ" vì nhà mình có hơn 20ha đất canh tác. Nhưng cả gia đình phải lao động cật lực hơn 20 năm trời mới có được vốn liếng ấy. Ví dụ để có 2ha ruộng nước, mình phải bỏ ra 17 năm ròng rã để san lấp 2 quả đồi, đào 2 con kênh dẫn nước dài cả cây số.

Hàng năm, cứ gần Tết mình lại suy nghĩ: Con người ta mỗi năm tuổi mỗi lớn thì con mắt phải ngó sâu thêm một lớp đất. Núi rừng không đẻ được mà người mỗi ngày một đông nên phải biết thương nó. Dân vùng mình hồi trước chưa nghĩ nhiều đến điều này. Mì được giá, bà con đổ xô nhau trồng. Đất dốc, trồng quảng canh, chỉ 2-3 vụ là kiệt, bà con lại phá rừng mới… Núi Đăk Pet sắp thành những ngọn núi chết cả rồi.

Tình trạng này khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Làm cây gì có thu nhập cao mà vẫn nuôi được đất? Sau nhiều năm mình đã rút ra kết luận: Chỉ có cây bời lời. Bời lời là cây rừng, trở về với rừng chẳng nhọc bao nhiêu công chăm sóc. Trồng bời lời là tái tạo lại rừng. Dưới tán vẫn trồng xen các loại cây ngắn ngày khác, vẫn chăn nuôi được dê, bò; không mất môi trường sinh thái như cây cao su…

Về kinh tế, mỗi hécta bời lời tốt, chỉ chu kỳ đầu cũng cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng. Hàng chục năm nay bời lời chưa bao giờ bị ế. Cây nhang có bao giờ mất trong đời sống của đồng bào mình ?

Hiện gia đình mình đã trồng được 13.700 cây bời lời trên núi Đăk Dền. Trong năm tới sẽ phấn đấu trồng thêm 2ha. Tương lai, tất cả đất rẫy sẽ được mình sẽ phủ xanh cây bời lời… Việc làm của mình đang được bà con học theo. Bời lời đã được trồng ngày càng nhiều trên các rẫy lúa, rẫy mì. Như vậy là bà con bước đầu đã biết thương đất rồi…

Mình vẫn thường nói với dân làng: Hãy tin đi. Nếu tích cực làm theo A Nhái, trong vòng ba, bốn mùa rẫy nữa, A Nhái trở thành "tỷ phú bời lời" thì bà con cũng được "hàng phó" thôi. Được tiền chỉ là một việc, cái được hơn là để lại nguồn sống cho con cháu mình. Đất không nói nhưng nó biết ghét người chỉ lấy không những gì của nó...

Anh Nguyễn Văn Tuyên - Chủ trang trại dế Phú Khang (thôn Tây An, xã Đông Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương): “Không thỏa mãn với thành công”

img
Anh Nguyễn Văn Tuyên.

Khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc tôi từ những ngày đầu tốt nghiệp Trường CĐSP Hải Dương về làm giáo viên tiểu học ở xã. Lương giáo viên "ba cọc ba đồng", vừa mới cưới vợ xong, kinh tế khó khăn, Tết vẫn có người đến tận nhà đòi nợ, tôi rất buồn. Qua Internet, các phương tiện thông tin đại chúng cùng với sự năng học hỏi, năm 2007, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi dế thương phẩm.

Sau 3 năm "sáng dạy học, chiều- tối ăn, ngủ với dế", giờ đây trang trại dế Phú Khang của tôi đã khẳng định vị thế không chỉ ở Hải Dương mà còn liên kết sản xuất với rất nhiều nơi từ Lào Cai cho đến Gia Lai. Mỗi tháng trại dế của tôi đưa ra thị trường gần 5 tạ dế, trừ chi phí, thu về không dưới 70 triệu đồng. Tiền lãi, tôi mua thêm đất, mở rộng chuồng trại. Ngoài nuôi dế, hiện nay tôi còn nuôi cả bọ cạp, kỳ đà, sâu super, sâu quy (hai loại sâu làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh).

Tôi không bao giờ thỏa mãn với những thành công trước mắt mà luôn biến nó trở thành động lực để tìm tòi, sáng tạo và tiến xa hơn nữa. Tôi luôn muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình chia sẻ với các bạn trẻ ở nông thôn góp phần giúp họ sớm có định hướng nghề nghiệp đúng đắn trong tương lai.

Bên cạnh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất dế thương phẩm, thời gian tới chúng tôi sẽ liên kết giữa các trang trại nuôi, đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến dế thành các sản phẩm xuất khẩu. Tôi tin một ngày không xa, thương hiệu dế Phú Khang nói riêng, dế Việt Nam nói chung sẽ đến được với thị trường khu vực và thế giới.

"Vua tôm" Vũ Bá Thuyên (phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang, Khánh Hòa): “Lạy trời đừng cắt điện”

img
Ông Vũ Bá Thuyên vận hành máy sục khí cho ao tôm.

Năm 1998, tôi bắt đầu vào nghề nuôi tôm với 3ha tôm sú. Thời điểm đó, nghề nuôi tôm mới manh nha "bén rễ" vào nước ta. Trong khi mọi người đang "rón rén" nuôi thử thì tôi đã đầu tư hàng trăm cây vàng vào cái nghề nhiều rủi ro này. Vậy mà tôi liên tục thắng. Những năm gần đây, người nuôi tôm liên tục thất bại, chính lúc người nuôi treo đìa lại là cơ hội vàng để tôi "bành trướng" diện tích nuôi tôm của mình.

Hàng chục hộ nuôi tôm ở Bến Đá (phường Phước Đồng) giao hẳn ao đìa cho tôi sử dụng với tiền thuê đìa rẻ chưa từng có. Tôi thế chấp nhà, bán ô tô, đổ tiền xuống đìa, mở rộng diện tích thả nuôi tôm chân trắng. Hiện tôi đang sở hữu 60ha ao, đìa nuôi tôm thẻ. Nhiều công ty nuôi trồng thủy sản nghe danh về khả năng nghe tôm thở, nhìn tôm bơi, ngửi nước ao tôm, nhìn màu tảo, "bắt mạch" cho tôm của tôi đã tìm đến đề nghị hợp tác làm ăn.

Người ta nói nuôi tôm như đánh bạc. Hơn 12 năm nay, năm nào tôi "đánh" 2-3 vụ, dù có thiên tai, dù có dịch bệnh kiểu gì thì quyết toán cuối năm tôi vẫn thắng đậm. Vậy mà, năm vừa rồi tôi lại thua! Mà thua đau mới tức. Tôm đang kỳ lớn thì bị "ông" điện chơi khăm cúp điện. Chẳng con vật gì thiếu ôxy mà sống nổi, thế là tôi mất toi tiền tỷ, công sức cả năm vất vả ra sông ra biển… Sang năm mới, tôi chỉ mong ước một điều, xin “nhà đèn” đừng cúp điện tràn lan nữa!

Ông Phạm Văn Gia (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An): “Ước ngành cơ khí có nhiều máy cho nông dân”

img
Ông Phạm Văn Gia.

Làm dịch vụ "gặt mướn" ở một vùng trọng điểm lúa Đồng Tháp Mười lắm lúc cũng "lên voi, xuống chó". Năm 2008 tôi mua chiếc máy gặt đập liên hợp Trung Quốc giá 180 triệu đồng, thế nhưng giữa lúc cao điểm thu hoạch thì máy bị trục trặc. Gọi thợ vô đồng sửa cũng không xong, trong khi tôi hứa với cô bác ngày, giờ đến gặt. Dịch vụ gặt mướn năm ấy không chỉ thất thu mà còn ảnh hưởng tới thời gian thu hoạch, dĩ nhiên là bà con đã hợp đồng máy với mình cũng bị thiệt thòi vì không bán kịp lúa cho lái với giá cao.

Tôi quyết định thải chiếc máy, vét toàn bộ số tiền tích lũy sau nhiều năm làm nông sắm liền hai máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota của Nhật tổng cộng gần một tỷ đồng. Nhờ máy này, năm 2010 tôi "gặt mướn" được 400ha đem về xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Từ thực tế của mình tôi rút ra bài học: Làm nông nghiệp thời hiện đại không chỉ đưa máy móc vào đồng ruộng, mà ND cần có kiến thức về loại máy mình sử dụng. Tôi rất mong các cơ quan khuyến nông, cơ khí nông nghiệp… có sách hướng dẫn chọn lựa máy, nhất là máy nhập ngoại. Tôi mong ngành cơ khí nông nghiệp nước mình sớm sản xuất các loại máy phục vụ ND chất lượng nhất là máy phục vụ thu hoạch lúa.