Dân Việt

Người nông dân yêu cái đẹp quê mình

02/02/2011 08:10 GMT+7
(Dân Việt) - Mới ngày nào đó mà đã gần 30 năm! Giờ đây anh Tịnh đã là một nông dân thực thụ trên đồng ruộng quê tôi nhưng cuộc đời của người nông dân này cũng trải qua không biết bao nhiêu trắc trở...

Người nâng niu đất

Một buổi chiều nắng ấm đầu đông, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng anh Tịnh, con bác tôi, trong căn nhà chòi giữa Bãi Soi làng Cẩm Thái (Thanh Chương - Nghệ An). Anh kể với tôi rằng đất này biết đãi công người lắm, nhiều nhà thu hoạch bộn quanh năm.

 img
Anh Tịnh thả trâu bên bờ sông Lam. Ảnh: Đình Trung

Điều này tôi hiểu. Bởi lúc nhỏ tôi đã từng theo mẹ sang Soi sản xuất đủ thứ cây trái, chứ không chỉ đơn thuần dăm loại hoa màu như sau này. Hồi ấy sản phẩm nổi tiếng nhất của làng tôi là mía đường. Mật mía Cẩm Thái ngon nổi tiếng cả huyện, lan ra các huyện bạn. Lúc đó, vụ đông thu hoạch mía, chất đầy từng chuyến đò, chở về sắp đống cao trên bến sông, từng nhà chuyển về các "cây che" dựng trên sân rộng. Tiếng "kẹo che" (tức ép mía lấy nước, nấu cô đặc thành mật) suốt ngày đêm trong các thôn xóm.

Đường làng sực nức mùi mật. Mỗi cây che gồm hai khúc gỗ lớn, đục lỗ, ráp vào nhau, được mắc vào chiếc cần gỗ to, dài 4-5m, do trâu hoặc bò kéo đi vòng quanh sân. Người thợ chính ngồi bên phải đút từng khúc mía dài khoảng 0,8-1m, người "ôm bạ" ngồi đối diện bên kia "cây che", đầy một ôm trên tay thì đưa qua cho thợ chính ép lại, 3-4 lần, hết nước thì bỏ ra ngoài phơi làm củi. Mùa ép mía, hai bên đường làng dựng phơi trắng bã mía.

Công đoạn nấu mật tốn nhiều công sức, nhiều đêm người thợ phải thức suốt sang, nhưng lại vui, vì mùa đông trời lạnh nhiều người cùng ngồi sưởi ấm, tán chuyện tận khuya… Hồi trước người ta còn gọi làng tôi bằng cái tên khác là Cẩm Đường. Nghe thật ấn tượng và dễ thương! Làng tôi hồi đó giàu lên là nhờ mật mía và dâu tằm..

Đất không phụ người

Ngày nay đã có các nhà máy đường hiện đại thay thế, dân không còn "kẹo che" ép mía, nấu mật như xưa, nhưng Bãi Soi lại cho ra nhiều sản phẩm quý khác. Con sông Lam, đoạn chảy qua làng tôi, sau nhiều chục năm đã có nhiều thay đổi kì lạ. Đoạn Rào Con bên kia Soi bị lấp, trở thành bãi đất rộng cho xã Thanh Tiên sản xuất hoa màu.

 img
Ảnh: Minh Đức

Nhưng ở bên phía sông Cái, sát làng, lại nổi lên doi cát dài hơn nửa cây số. Doi cát bồi dần qua từng năm, lại trở thành nơi trồng trọt mới. Đất doi cát mới, xã giao cho Hội Người cao tuổi quản lý, sản xuất hoa màu. Vì toàn cát nên rất khó trồng trọt. Hội chỉ làm phần đất chính ở giữa, còn đuôi doi đất không ai nhận, vì chỉ làm được một vụ, lại không có đất màu. Anh Tịnh liền đứng ra nhận làm. Hội dự định không thu phí.

Anh Tịnh là người mát tay! Mấy năm gần đây anh lại quay sang nuôi ngỗng. Từ vài con đến vài chục con. Nuôi từ lúc trong làng, trong xã chưa ai nuôi. Những lứa đầu, trứng ngỗng anh bán tới 50 ngàn đồng một quả mà không đủ bán hàng ngày. Rồi cho ấp ngỗng con bán cho bà con…

Anh Tinh nói, cứ để tôi đóng phí cho hội. Tuy chỉ mấy trăm ngàn đồng một vụ, anh vẫn thanh toán sòng phẳng. Vậy là anh lại trần lưng đào bới lớp cát dày cho đến tận lớp đất màu dưới cùng sâu hàng mét. Anh trồng hàng trăm hố bù rợ (bí ngô). Đó là anh học kinh nghiệm từ cha ông mấy chục năm trước đã trồng bù rợ thành công trên bãi cát mênh mông của Bãi Soi. Cùng với bù là các loại đậu. Thế là trúng đậm quá rồi. Đến mùa thu hoạch bí, cả gần ngàn quả bí chất đầy nhà vừa dùng vừa bán suốt mấy tháng. Đậu các loại cũng thu vài tạ. Anh bảo tôi: Đất trả ơn người vậy đó chú ạ!

Tôi thầm nghĩ: Thì ra người nông dân không phải chỉ biết cần cù, chăm chỉ mà còn phải biết sáng tạo, biết cách làm, biết đón đầu thời vụ! Điều này có lẽ anh Tịnh đã học được kinh nghiệm từ chú Tiêng, con cô ruột tôi. Chú Tiêng làm y sĩ cho trạm y tế xã, nhưng sản xuất vẫn luôn đi đầu. Có năm, vì đón đầu vụ rau, chú cho cắt hết lúa (trên đất 5%) đang trổ bông để trồng rau cải. Nhiều người nói: Ông này chắc điên khùng! Không ai ngờ được, chỉ sau vài tháng chú trúng đậm vụ rau cải đầu mùa, thu về gấp bao nhiêu lần lúa.

Đúng là đất lành chim đậu. Và cũng đúng là đất lề quê thói. Đất nào phải có chính con người nơi đó dựng xây vun đắp mới trở nên giàu có. Anh Tịnh của tôi là một người trong số đó.