PV Hồng Đức trong chuyến công tác vùng cao. |
Trước khi từ thị trấn Quan Sơn đi, ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện uỷ dặn dò: Chú lên bản Mùa Xuân nhớ qua UBND xã Sơn Thuỷ, nói với Chủ tịch xã cấp giấy giới thiệu cho nhé.
Nghe lời ông Diệm, tôi lên xã Sơn Thuỷ xin giấy giới thiệu. Đến nơi, hỏi thăm nhà trưởng bản, nhưng ông đi rẫy chưa về. Một người chỉ nhà ông Bí thư Chi bộ Thao Văn Dính cho tôi. Đang loay hoay tìm lối vào, thì ông Dính đến hỏi: Anh là ai? Đi đâu? Có việc gì?
- Tôi là nhà báo mới ở dưới xuôi lên- tôi trả lời.
Ông Dính nhìn tôi nói:
- Từ ngày có bản Mùa Xuân, đến nay mới thấy một nhà báo lên đây bằng... xe máy. Nếu là nhà báo, thì cho ta xem giấy tờ.
Tôi lấy thẻ nhà báo ra. Lật đi, lật lại vài lần, ông Bí thư Chi bộ hỏi: Hết chưa? Tôi chưa kịp phản ứng, ông Dính nói luôn:
- Cái này chỉ là thẻ nhà báo, còn dấu đỏ của xã đâu?
Lúc đó, tôi mới giật mình nhớ đến giấy giới thiệu của xã. Tìm một hồi không thấy, tôi đành nói khó với ông Dính.
- Lúc lên đây, Chủ tịch xã có cấp cho em, nhưng đường đi khó quá, chắc rơi mất rồi bác ơi.
- Ô, thế thì không được đâu. Thôi, nhà báo về đi. Xuống xã lấy dấu lên đây, rồi làm việc.
Mặc tôi thanh minh thế nào, ông ấy cũng không nghe. Lúc ấy, tôi mới chợt nhớ ra lúc qua suối, tôi tháo đôi giày, đựng vào túi nilon, đeo ngang hông (vì sợ ướt, tôi bỏ luôn cả giấy giới thiệu vào đó). Khi xem giấy giới thiệu xong, ông Dính buông một câu: Ừ! Phải có cái dấu đỏ của xã mới được!
Ông còn khoe: Hôm trước, có một đoàn cán bộ cõng ti vi lên tặng bản, nhưng không có cái dấu đỏ của xã, bản ta không nhận, phải cõng xuống đó thôi! Nói xong, ông cười sảng khoái rồi mời tôi vào nhà và đi làm thịt... chuột thết khách.
Hồng Đức
“Bắt cóc” xe ôm
Tôi nhận lệnh đi công tác tại bãi vàng Ma Sà Phìn, Văn Bàn (Lào Cai) với chỉ một thông tin vẻn vẹn từ tòa soạn: Có một vụ sập hầm vàng chết 7 người.
5 giờ sáng lên tàu Hà Nội-Lào Cai, 3 giờ chiều đến Bảo Hà, tôi bắt luôn xe ôm đi vào bãi vàng Ma Sà Phìn, cách đó 110km. Tôi và anh xe ôm Hoàng Văn Tùng 53 tuổi, sau nhiều lần phải khênh xe qua suối, và những con đường lầy lội vào được đến bản Ma Sà Phìn thì đã 9 giờ tối, cả bản đã đi ngủ, từ bản lên bãi vàng 6km toàn đường núi không đi được xe máy nữa.
Tôi động viên anh Tùng ở lại hôm sau đợi tôi rồi lại chở ra Văn Bàn. Sáng hôm sau một mình tôi lội bộ lên bãi vàng Ma Sà Phìn, đường lên bãi vàng phải trèo qua những vách núi trơn như đổ mỡ dưới trời mưa tầm tã. Sau 4 tiếng đi theo các đường mòn vách núi, tôi đã tiếp cận được hiện trường vụ sập hầm. Lấy thông tin xong thì trời mưa không xuống núi kịp đành phải ngủ lại nhờ ở lán một bưởng vàng. Dưới bản anh xe ôm Hoàng Văn Tùng phải đợi thêm một ngày nữa.
PV Gia Tưởng trong lần tác nghiệp tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
Sáng hôm sau tôi xuống núi, 2 anh em đèo nhau ra vùng có sóng điện thoại thì nhận được tin của vợ anh Tùng, chị Chung sợ anh đi chở khách đã bị cướp, vì 3 ngày không liên lạc, lo chồng gặp chuyện chẳng lành, chị Chung đã gọi điện về quê ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, gọi điện lên Lào Cai cho người nhà.
Tất cả gia đình 7 người đổ xô đi tìm anh Tùng. Nếu hết ngày thứ 3 không thấy sẽ báo công an về vụ mất tích của chồng mình. Tôi về đến Bảo Hà bị chị Chung túm được mắng té tát một trận, vì làm cho cả gia đình chị lo mấy ngày không ăn không ngủ được...
Nguyễn Gia Tưởng
Bàn về Lý Xương Bình ở Quảng Châu
Chuyến đi thăm ngôi trường chính trị do Bác Hồ tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc nơi đào tạo lớp đảng viên cộng sản đầu tiên không đơn giản như tôi nghĩ. Theo quy định của nước bạn, để lấy tư liệu cũng như ghi hình tại đây cần một rừng thủ tục.
Lý Xương Bình cùng tác giả (trái) tại Báo Nông thôn ngày nay. |
Mãi đến khi tôi bảo chị Lưu Hương - nhân viên Bảo tàng Quảng Châu rằng: "Tôi là PV Báo Nông thôn Ngày nay" thì mới tạo được ấn tượng với Ban quản lý. Đơn giản một điều, Trung Quốc không có Hội Nông dân như ở ta. Khi biết tại Việt Nam có một tờ báo phục vụ riêng cho giai cấp nông dân, họ rất thú vị. Để "câu chuyện làm quà" tăng phần sức nặng, tôi tìm những bức ảnh, những bài viết của tôi khi một ngôi sao đang "hot" của Trung Hoa đến thăm Báo Nông thôn Ngày nay năm 2008: Đó là Lý Xương Bình - người có tác phẩm "Tôi nói thật với Thủ tướng".
Câu chuyện bỗng xoay sang hướng khác! Ngay lập tức tôi bị ngỡ ngàng. Các cán bộ ở đây không nhìn nhận tác phẩm của Lý Xương Bình về mặt xã hội, mà lại ghi nhận nó như một hiện tượng văn học.
Theo quan điểm của tôi "Tôi nói thật với Thủ tướng" dẫu dùng lối văn khẩu ngữ khá lạ với văn học Trung Hoa, lối văn này rất đắc dụng trong việc kéo bạn đọc đến cực sát với thực tế nhưng gọi là "hiện tượng văn học" thì hơi quá.
Ai cũng biết, cùng trong quãng thời gian này còn có "Cây tỏi nổi giận" của Mạc Ngôn - miêu tả sự cùng quẫn của người nông dân, cùng với ý tưởng "nông dân rất khổ - nông thôn đang gặp nguy hiểm" như trong "Tôi nói thật với Thủ tướng". Chuyện so sánh về "chất lượng văn chương" thì một ông Bí thư hương trấn như Lý Xương Bình sao bì được với cây bút lão luyện như Mạc Ngôn.
Khi các cán bộ bảo tàng nhắc khéo đến một Tư Mã Thiên thời hiện đại thì bỗng thấy văn hóa đọc của tôi kém họ khá xa thật. Tác phẩm của Lý Xương Bình được coi là một dạng văn học như bộ "Sử ký" lừng danh vì nó là chuyện có thật, với các nhân vật thật, nó là lịch sử của đất nước Trung Hoa.
"Cây tỏi nổi giận" có thể đọc chơi, để đời sau bàn về câu chữ nhưng "Tôi nói thật với Thủ tướng" sẽ là một chương hồi trong một bộ "Sử ký" vĩ đại xuất hiện vài trăm năm của Trung Hoa rộng lớn, nó sẽ được nằm trên một giá sách cùng: Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Sử ký Tư Mã Thiên.
Tư tưởng của kẻ "giật tít để bán báo" khiến tôi hơi coi trọng quá mức với tên cuốn sách "Tôi nói thật với Thủ tướng". Tôi có ý rằng: "Tên bìa sách là một lý do để nó tạo được cơn sốt". Chị Lưu Hương xin lỗi tôi hai lần rồi mới dịch ý kiến của mấy cán bộ ở đây: "Tại Trung Quốc, người biết đọc sách không đọc bìa sách". Với văn hóa đọc xây dựng vài ngàn năm nay, không thể có một cái bìa sách giật gân nào có thể "lừa" được giới "biết đọc sách".
Văn hóa đọc của tôi sẽ đỡ "tồi tệ" hơn sau cuộc nói chuyện ấy. Nhiệm vụ của tôi cũng hanh thông, được tạo điều kiện hơn sau cuộc nói chuyện ấy. Cảm ơn Lý Xương Bình về cuộc gặp gỡ và đàm luận ở Toà soạn Báo Nông thôn Ngày nay lần ấy.
Nam Hải
Làm công tác xã hội ở Singapore
Những ngày ở Singapore, tôi có dịp tới Bukit Batok East để tìm hiểu mô hình dịch vụ về cung cấp phúc lợi. Giờ làm việc của các thành viên khu Bukit Batok East bắt đầu từ lúc 6-7 giờ tối. Phụ trách khu này là một thành viên Quốc hội thuộc Đảng Nhân dân hành động- bà Halima Yacop. Từ năm 2004, bà Yacop khởi động chương trình cung cấp thực phẩm cho dân nghèo ở khu vực này.
PV Lê Huyền tại Singapore. |
Thời điểm chúng tôi đến, khủng hoảng kinh tế đang lan rộng nên số người tới nhận trợ cấp khá nhiều. Anh Ho - một tình nguyện viên trong khu tới làm việc ở đây cho biết, các gia đình có thu nhập 800 đô la Singapore/người/tháng (khoảng hơn 10 triệu đồng VN) đều thuộc diện "nghèo", có thể đăng ký nhận các nhu yếu phẩm. Tôi tò mò muốn biết túi nhu yếu phẩm mà "dân nghèo" Singapore được nhận là gì, anh Ho nhiệt tình mở túi cho xem: Gạo, dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo, đủ cho một gia đình ăn trong một tuần. Tuần sau họ có thể quay lại nhận một túi khác tương tự.
Chỉ gặp chúng tôi ít phút, bà Halima Yacop lại bận bịu quay về công việc của mình. Tôi thực sự ngạc nhiên khi một Nghị sĩ như bà đang phải giải quyết các công việc hết sức vặt vãnh cho người dân trong khu vực như chuyện không có chỗ đỗ xe, thu phí trông xe quá cao... hay tư vấn giải quyết một vụ cãi nhau nào đó.
Bà Yacop cho biết, những cuộc nói chuyện này bà đều lắng nghe ý kiến người dân rồi chuyển những yêu cầu của họ tới nơi mà họ khiếu nại: "Tới 90% thắc mắc của dân được giải quyết triệt để vì tiếng nói của Hội đồng địa phương rất quan trọng"- bà Yacop chia sẻ. Một buổi tối, bà Yacop xử lý được khá nhiều vụ việc như vậy. Điều lý thú là tất cả các vụ việc đều được thống kê theo từng tháng, từng nhóm vụ việc.
Giúp việc cho bà là rất nhiều người dân làm theo hình thức tình nguyện viên. Những người này làm việc không công, trên tinh thần hết sức nhiệt tình, hợp tác. Họ cũng tham gia vào tư vấn, hoà giải cho chính các thành viên của mình về mặt chính sách. Đó cũng là cách "huy động sức dân" theo kiểu Singapore.
Lê Huyền