Sứ mệnh trời giao
Ba Lang- là tên của ông lão thương hồ có gần 40 năm sống trên sông nước nhớ lại: "Đã gần 20 năm rồi vợ chồng tui đón giao thừa trên sông. Hồi Nhà nước chưa cấm đốt pháo tui với bả cứ để ghe trôi dạt trên sông mà giao hàng cho bà con… mãi cho đến chừng nghe tiếng pháo nổ là biết thời khắc giao thừa đã đến và biết mình thêm một tuổi nữa. Giờ khắc giao thừa cả gia đình ngồi trước bàn thờ tổ tiên cùng mâm ngũ quả, con gà luộc cúng ông bà thì không có gì hạnh phúc bằng! Nhưng vì nghiệp làm ăn nên tui phải chịu…".
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Cửu Long |
Nhà ông Ba Lang ở miệt Cái Bè (Tiền Giang). Theo nghiệp cha sống đời thương hồ nên mỗi tháng ông mới về thăm nhà một lần. Chiếc ghe của ông chở được hơn 10 tấn hàng. Hàng ngày ông thu mua nông sản ở dọc các tuyến sông trong khu vực ĐBSCL rồi chuyển về TP. HCM bán lại. Sau đó mua hàng hóa, vải quần áo, đồ nhựa… về bán lại cho bà con vùng sâu vùng xa.
Ba Lang cười như an ủi: "Chắc hồi xưa ông già biết trước nên đặt tui tên Lang, bởi thế nên từ ngày cưới bả đến giờ tui cứ lang thang quài (hoài) trên sông nước. Nói thiệt với chú chứ buồn thì buồn riêng mà vui thì vui chung. Chiếc ghe tui không những chở hàng mà nó còn chở cả niềm vui cho cả xóm. Bởi dậy (vậy) chiều 30 Tết tui phải ráng giao hết hàng. Nhất là những bộ quần áo mới mà bà con vùng "ngút ngàn"(xa tít ở những nhánh sông nhỏ) đặt trước rồi mới nghĩ chuyện đón Tết. Thấy bà con nhận được hàng Tết vui vẻ là vợ chồng tui hạnh phúc lắm rồi và cảm thấy như mình vừa hoàn thành sứ mệnh mà trời đã giao…".
Du khách nước ngoài tham quan chợ Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Cửu Long |
Đã nhiều lần Ba Lang định bỏ nghề lên bờ sống cùng con cháu nhưng nghĩ đền những bạn hàng ở vùng sâu ngày ngày mong chờ ông đến mua bán hàng thì ông không thể bỏ. Thế rồi vợ chồng ông cùng chung tâm niệm: Nghiệp mình là thế! Đi đến khi nào không còn sức nữa thì "cắm neo"…
Có tội với nông dân
Chúng tôi tìm đến chợ nổi Cái Răng, TP.Cần Thơ khi trời chưa ửng sáng. Dưới tiết trời se se lạnh, nhìn cảnh dân thương hồ sông nước đang buôn bán nhộn nhịp, ai cũng có cảm giác Tết đã ở đâu đó sau lưng.
Thương hồ Nguyễn Minh Tài quê ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, năm nào cũng vậy, gần Tết Nguyên đán là gia đình ông chuẩn bị vốn liếng để mua bán phục vụ Tết. Ông Tài nói: “Gần đến Tết, cứ đậu ghe ở ngay chợ nổi là có nông dân đem nông sản từ trong vườn ra bán rất nhiều. Lúc đó phải có sẵn vốn để trữ hàng.
Cứ đợi đến đầy ghe là tui chở lên chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh để bán. Xong lại về đi chuyến tiếp. Bà con nông dân quanh năm cực nhọc mới làm ra nông sản bán cho người thành thị, mình có ghe có ghề mà không vận chuyển hàng hóa cho bà con thì tội lắm…". Chuyện ăn Tết trên sông đối với ông Tài là thường xuyên. Tuy nhiên, dù giá nào đi nữa sáng mùng 1 Tết vợ chồng ông phải cố gắng có mặt tại nhà để mừng tuổi cha mẹ.
Một thương hồ nhí ở Vĩnh Long theo nghiệp cha sống trên sông nước. |
Thương hồ Lê Công Điền ở miệt Vĩnh Châu, Sóc Trăng cho biết: Dân thương hồ ai cũng mong muốn giao thừa có mặt tại nhà. Tuy nhiên, số ít dân thương hồ vì điều kiện nên đành lòng ăn Tết ngay trên sông với bánh trái cũng đủ loại và kể cả bánh tét, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ… Sáng mùng 1 Tết ngồi ghe bên này chúc Tết ghe bên kia cũng vui lắm! Chúng tôi được mời ghé thăm vài ghe hàng của dân thương hồ. Do điều kiện sống ngày càng tăng nên hầu hết trên những chiếc ghe "thương hồ sông nước" đều có trang bị các phương tiện giải trí như tivi, máy hát karaoke… Chính vì thế mà nhiều dân thương hồ vui vẻ đón giao thừa trên những tuyến sông.
Rời chợ nổi Cái Răng, theo con nước chúng tôi về chợ nổi Ngã Bảy, Phụng Hiệp (Hậu Giang). Gặp ông Hai Thành lúc trời hừng đông, ông tất bật gom hàng nông sản chở về thành thị thấy đâu đó dư vị da diết nỗi nhớ quê nhà. Ông Thành cho hay: "Nhà tui ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) lâu lâu mới về thăm. Mấy năm rồi đón Tết trên sông, năm nay cố gắng về nhà đón Tết cho con cháu nó vui. Nói vậy chớ không biết có được không?" Ông Thành bỏ lửng câu hỏi rồi vội vã chèo ghe nhỏ đi gom hàng...
Cái Tết sung túc…
Ông Dương Văn Giang- Chủ tịch UBND xã Đại Thành, TX. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Tháng giáp Tết, dân thương hồ tập trung về chợ nổi Ngã Bảy gấp đôi so với ngày bình thường. Thời gian nhóm chợ suốt ngày chứ không phải vào lúc hừng đông như mọi khi. Dân thương hồ neo ghe lại mua hàng nông sản chở đi nơi khác bán và chở về đây những sản phẩm phục vụ Tết mà vùng này không có…".
Thời điểm gần Tết, vai trò của dân thương hồ thể hiện đậm nét nhất trong việc tiêu thụ hàng nông sản của nông dân và ngược lại. Hầu hết các loại trái cây, củ, quả được trồng ở vùng sâu, vùng xa khi chở ra đến chợ nổi đều được dân thương hồ mua lại chuyển về cho người thành thị tiêu thụ.
Vì vậy, hàng trăm năm nay ở vùng sông nước Cửu Long vẫn còn tồn tại chợ nổi như là nét đặc thù của đất và người phương Nam. Dù tất bật sông kiếp mưu sinh trên sông nước suốt năm nhưng dân thương hồ vẫn không quên nhiệm vụ của mình là phục vụ cho cả nông dân và người thành thị.
Chúng tôi dạo một vòng khắp chợ nổi Ngã Bảy và nơi nào cũng nghe dân thương hồ bàn tán chuyện mua bán và đón Tết. Có thể nói ở hai cái chợ nổi lớn nhất ĐBSCL (chợ Cái Răng, TP. Cần Thơ và chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang) mỗi khi mùa Tết về là cơ hội để dân thương hồ sông nước giao thoa văn hóa với nhau. Ai cũng muốn mùa Tết năm nay "mua may, bán đắt" và đón cái Tết cổ truyền sung túc…
Hoàng Mai