Không đường về quê
Chị Trần Thị Kim Phấn, quê Bắc Giang, công nhân Công ty May Thành Công - KCN Tân Bình (TP.HCM) buồn buồn: "Làm công nhân như chúng tôi lương tháng không bao nhiêu nên tiền dành dụm hầu như không có. Tiền tiêu Tết, về quê của tôi trông cả vào thưởng cuối năm, nhưng năm nay không nhiều nhặn gì hơn năm trước, trong khi giá cả tăng vùn vụt. Đành phải ở đây ăn Tết nữa rồi".
Chị Kim Phấn không thể về ăn Tết với con. |
Từ "nữa rồi" chị nói trong tiếng nghẹn ngào. Người phụ nữ mới ngoài 30 này mong lắm một cái Tết ở quê vì thương nhớ hai đứa con nhỏ. Chị kể, năm nay đã dự định sẽ cố gắng về nhà thăm bố mẹ và 2 con, nhưng chắc lại lỡ hẹn thêm một mùa xuân nữa, vì khi tổng kết lại tất cả các khoản chị chỉ có trên dưới 3 triệu đồng. "Với chừng ấy tiền, quả thật tôi không dám nghĩ đến chuyện về quê. Vì về rồi còn vô làm, sợ sau Tết lại không còn đủ tiền. Nhà tôi ở quê cũng nghèo lắm. Tiền đi về để dành cho 2 đứa nhỏ học hành…" - chị Phấn buồn bã nói.
Năm ngoái, cũng vì không có tiền nên chị Phấn và mấy người bạn chung cảnh ở lại phòng trọ đón Tết. Ngày cuối năm, mấy chị em ra chợ mua mấy đòn bánh tét, ít hạt dưa, vài phong kẹo để dùng trong mấy ngày Tết, chung tay trang trí nhà cửa. Bữa cơm cũng đầm ấm mà lòng chị nghẹn ngào.
Nhiều công nhân ngoại tỉnh làm chung xí nghiệp với chị Phấn cũng cho biết, lương 1,2 triệu đồng/người/tháng, tăng ca thì được thêm 6.000 đồng/giờ, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Tất cả công nhân hy vọng vào thưởng Tết nhưng vừa rồi, công ty công bố năm nay chỉ thưởng mỗi người hơn 1 triệu đồng, nên hầu hết đều lên kế hoạch ở lại phòng trọ ăn Tết.
Niềm vui đơn giản
Với nhiều công nhân, ngoài thiếu hụt tiền bạc, nguyên nhân chủ yếu khiến họ không dám về nhà là áp lực tâm lý, không muốn cha mẹ và người nhà thấy hoàn cảnh nghèo khó hiện tại của mình.
Chị Bùi Thị Lý, quê Hà Tĩnh, công nhân Công ty may Chung Hạnh (KCN Tân Tạo, Bình Tân) kể: "Năm nay làm ăn khó khăn, việc công ty vẫn đảm bảo mức thưởng bằng năm ngoái là mừng rồi. Với số tiền ấy, năm ngoái em có thể tằn tiện, sắm sửa được một cái Tết tương đối chút xíu thì năm nay chắc không được rồi. Về quê trong lúc thiếu hụt thế này, cũng chẳng vui vẻ gì. Năm sau dù khó khăn thế nào em cũng phải cố gắng để về với bố mẹ chứ không thì nhớ lắm".
Nhiều công nhân phải ở lại TP.HCM đón Tết vì không đủ tiền về quê. |
Năm nay là năm thứ hai Lý ở lại thành phố, tuy Công đoàn nơi chị làm có hỗ trợ vé xe, nhưng khi cầm số tiền khiêm tốn hơn 2 triệu đồng có được cuối năm, ý nghĩ về quê đón Tết sau hai năm xem như tiêu tan. Sau khi suy tính, chị trích hơn một nửa gửi về gia đình, chỉ giữ lại vừa đủ chi tiêu trong dịp Tết và tháng Giêng. "Phần mình thì sao cũng được, cũng qua ngày qua tháng, mùng 7 đã làm lại rồi, giữ một ít tiền để cầm cự đến kỳ lương mới. Chỉ tội bố mẹ ở nhà, chưa có một cái Tết nào đầy đủ cả…" - chị tâm sự.
Tuy vậy, công nhân lao động xa quê cũng ấm lòng hơn vì Công đoàn các cấp, Liên đoàn LĐ TP.HCM vẫn luôn bên cạnh, trong những thời khắc dễ tủi thân nhất. "29 Tết năm ngoái, các anh cán bộ bên công đoàn có vào phòng trọ thăm hỏi, động viên và tặng 2 thùng mì, một cặp nước ngọt. Sau đó còn tổ chức sinh hoạt tập thể, chơi trò chơi, nên không khí cũng vui hơn, tụi em cũng cảm thấy bớt nhớ nhà trong mấy ngày Tết…" - chị Mai Thị Diễm Thúy, quê Bến Tre, cùng làm Công ty Chung Hạnh cho biết.
Thực tế cho thấy, thưởng Tết năm nay không cao hơn năm ngoái bao nhiêu, trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, số tiền sắm Tết chỉ xấp xỉ một nửa năm ngoái nên dù công đoàn các cấp đã quan tâm hỗ trợ tối đa, bằng nhiều hình thức cả về vật chất lẫn tinh thần, từ tặng quà, vé xe đến động viên, thăm hỏi… nhiều công nhân lao động vẫn phải đón xuân xa quê trong sự ngậm ngùi khôn xiết.
Nguyễn Thị Tân (24 tuổi, quê Quảng Bình- công nhân Công ty Nhựa Tú Phương, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội): Góp tiền ăn Tết chung
Tết này em lại ở đây ăn Tết thôi vì nhà em ở xa mà tàu xe lại vừa đông vừa đắt. Năm 2009, em mới đi làm được 4 tháng thì đến Tết, làm xong ca chiều 29 Tết là em vội vàng về nhà trọ dọn dẹp đồ đạc để kịp bắt xe về quê. Nhưng đạp xe sang bến Nước Ngầm thì đã 7 giờ tối, xe về Quảng Bình xuất bến hết rồi. Về lại nhà trọ thì đã gần 12 giờ đêm, em báo tin cho bố mẹ là Tết này không về quê được rồi nước mắt cứ thế tràn ra vì tủi thân.
Cũng may là xóm trọ có một chị quê ở Yên Bái cũng không về nhà. Ngày 30 Tết, hai chị em rủ nhau ra chợ Sủi mua cân thịt ba chỉ về nấu đông cùng 2 chiếc bánh chưng. Cái Tết xa nhà đầu tiên của 2 chị em chỉ sắm sửa hết 110 nghìn đồng mà cũng xong, ngày mùng 5 đi làm thế là hết Tết. Năm vừa rồi em về quê nhưng thấy tốn kém quá nên năm nay xin phép bố mẹ ở lại nhà trọ ăn Tết.
Vì chủ động ở lại nên chị em trong xưởng và xóm trọ góp tiền ăn Tết chung. Bọn em dự tính mua thực phẩm làm cỗ 2 ngày Tết, mượn thêm cái đầu đĩa của mấy anh hàng xóm về quê, bắt đầu từ mùng 1 thuê phim bộ về xem cho đã, bù lại những ngày đi làm không biết tới phim ảnh, tin tức là gì. Ở lại nhà trọ kể cũng buồn nhưng bù lại bọn em không bị mệt mỏi vì xe cộ sau Tết.
Phan Văn Hùng (30 tuổi, quê Lào Cai, công nhân khu công nghiệp Đài Tư, Hà Nội): Muốn về quê cũng khó
Tôi đã có "thâm niên" 4 năm không về quê ăn Tết vì thực sự về Tết cũng tốn kém. Tôi đã 30 tuổi rồi, đi làm lương công nhật được 80 nghìn một ngày, tháng nào làm đều đạt 26 công được hơn 2 triệu đồng. Số tiền này tiêu vèo trong tháng là hết nên mang tiếng đi làm 8 năm rồi nhưng tôi chẳng bỏ ra được đồng nào. Năm ngoái có được 3 triệu đồng tiền thưởng Tết, thì lại phải trả nợ tiền ăn cỗ, tiền thẻ điện thoại rồi tiền nhà, thế là hết. Ngày cuối năm, tôi chẳng còn đồng nào mà tàu xe về quê, nói gì đến biếu xén bố mẹ già.
Nói tới ăn Tết của công nhân nghèo như chúng tôi mà tủi thân. Công nhân nữ thì còn chỉn chu, vun vén chứ công nhân nam thì chẳng chuẩn bị gì. Năm ngoái, chiều mùng 1 Tết mấy anh em làm nồi lẩu ăn thì mới nhớ là chưa mua rau. Chợ chưa họp, mùng Một không dám đi xin ai nên bọn tôi phải ra bãi sông Đuống... ăn trộm rau. Xong bữa đó là xong cái Tết.
Năm nay tôi ở lại, dự kiến đi chơi nhà mấy anh em cùng xưởng ở Hưng Yên, Bắc Ninh rồi cố gắng làm thêm, dành dụm để có tiền về Tết, cưới cô vợ.
Gia Tưởng (ghi)
Nguyên Nghi