Bùi Xuân Phái chính là linh hồn của Hà Nội, một Hà Nội rất hội họa và ông là người duy nhất đã phát hiện ra nó. Ông đã cho Hà Nội một đời sống khác, bền lâu hơn, trong tâm khảm của cả những người thờ ơ nhất, cả những người ở những phương trời xa lắc. Còn ở Hà Nội, đã từ lâu lắm rồi người ta tặng ông tên gọi là “Phái Phố” hoặc “Phố Phái”.
Khi hoạ sĩ “hát” chèo
Nhưng ông còn một món quà khác cho hậu thế, cũng đằm thắm, riêng tư như mái phố của ông, thêm một chút dí dỏm, hồn nhiên, một chút bông đùa nổi trôi trên những nỗi u sầu. Đó là mảng tranh chèo, cộng thêm những bức khỏa thân và bộ tranh minh họa cho tập thơ nôm Hồ Xuân Hương của ông.
Ngay từ cuối năm 1958, những tháng ngày buồn bã của ông sau sự kiện “Nhân văn Giai phẩm”, Bùi Xuân Phái nhận lời mời của Đoàn chèo Hà Nội làm họa sĩ thiết kế sân khấu và trang phục. Ông làm việc với các đạo diễn chèo đầy kinh nghiệm, bạn ông như Trần Hoạt, Trần Huyền Trân... Chèo đã mở ra cho ông một chỗ trú ngụ mới, ân cần, giản dị, để rồi một lần nữa, ông phát hiện lại chèo, không phải ở những vở diễn trước công chúng mà là một thế giới chèo sau cánh gà. Một lần nữa ông lại “độc quyền” mảng tranh này.
Chất đằm thắm và duyên dáng của chèo với váy yếm, áo the, khăn xếp, với quạt cờ, nhịp trống, với lối bông đùa nơi đình đám đã vào ông trong hàng trăm bức ký họa màu, nhuần nhuyễn như hơi thở, rồi từ đó mạch ngầm tuôn chảy những tác phẩm theo ông đến cuối đời. Không ai vẽ được anh hề chèo cô đọng như ông, tung tẩy bất cần từ sợi râu khóe mắt. Cũng không ai cảm thông được sức sống âm thầm nhục cảm ẩn dưới sắc màu váy yếm trong phòng hóa trang của các nữ diễn viên đi thẳng từ chiếu đình làng quê ra ánh đèn đô thị, rụt rè mà mãnh liệt.
Thân phận của nhạc công nhị sáo, những khuôn mặt trầm tĩnh vuốt ve từng làn điệu cũng hóa thân vào ông làm một. Bùi Xuân Phái, bằng ứng xử hội họa tự nhiên của mình, đã nuôi dưỡng một đời sống chèo khác, một không gian chèo khác, chậm rãi hơn, bước ra ngoài kịch bản, để mỗi một nhân vật được trở lại phận mình, cũng với mũ áo ấy, cũng với làn nhịp ấy. Và như thế, chèo của ông không có mở màn và đóng màn, nó có mặt ở cả những nơi xa lạ nhất, rồi ở lại đó, mãi mãi.
Một cách “nude”
Con mắt của người họa sĩ luôn đi theo nỗi khát vọng từ thẳm sâu tâm tưởng. Khát vọng tìm đến điều gì thì con mắt sẽ tìm thấy điều đó ở mọi cảnh ngộ. Bùi Xuân Phái đã nhìn ra cái đẹp của thân hình người phụ nữ bình dị nhiều dục tính nhưng không hề dung tục. Những người đàn bà khỏa thân trong tranh ông không phô diễn.
Hình như, thậm chí họ không ý thức được ưu thế của thân thể mình. Họ khỏa thân để thay lời nói lên niềm vui sống chân thành và một hạnh phúc bình yên. Chỉ vậy thôi, nhưng là một nỗi ám ảnh dai dẳng nơi người xem, đến nỗi có khi giật mình trước một bóng dáng chợt thấy giữa phố phường chen chúc. Bùi Xuân Phái yêu thích hội họa trường phái Paris.
Ông tâm đắc với Picasso, với Matisse cũng như với Cezanne, Gauguin, các họa sĩ hậu ấn tượng nhưng ông không hề có chút vết tích nào của họ.
Những người đàn bà của ông, đôi khi cũng với bảng màu như vậy, nhưng hoàn toàn là những người đàn bà Việt, những người không hề làm mẫu cho ông mà ông vẽ bằng tâm tưởng. Tài năng này của ông càng được thể hiện rõ trong tập tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương. Nhân vật phụ nữ phản kháng trong thơ của nữ thi nhân được ông trình bày thật dí dỏm, lẳng lơ, chanh chua nhưng vẫn bỡn cợt yêu đời.
Ở tập tranh này, nét của ông mới kỳ tài làm sao, nét không run mà người xem run rẩy. Tinh thần nhục cảm vẫn trung thành theo ông, nhưng ông lại biết bớt đi sự u hoài để thêm vào nỗi thèm muốn. Có lẽ đó cũng là tâm lý Hồ Xuân Hương. Một thi nhân của Hà Nội. Và ông, một họa sĩ Hà Nội đã làm sang cho Hà Nội.
Trịnh Tú